Liệu sự tăng vọt số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan là do xuất hiện ổ dịch mới, hay do tình cờ phát hiện ổ dịch ngầm tồn tại từ lâu?

Đây là câu hỏi lớn nhất sau khi hơn 1.200 người sinh sống và làm việc tại chợ tôm ở Mahachai, Samut Sakhon, một tỉnh phía tây nam Bangkok, dương tính với virus corona.


                                                                                                              Lao động nhập cư ở Samut Sakhon xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters.


Dù thế nào đi chăng nữa, lao động nhập cư ở Thái Lan, phần lớn đến từ Myanmar, đang trở thành tâm điểm chú ý của đợt bùng phát này.


Điều đó khiến lao động nhập cư vốn bị gạt ra ngoài xã hội nay càng khó khăn hơn.

Người nhập cư có phải nguồn gốc ổ dịch?


Bác sĩ Vichan Pawun, Giám đốc Viện Kiểm soát Dịch bệnh Đô thị, cho rằng lao động nhập cư ở Samut Sakhon có thể là nguyên nhân gây ra đợt lây nhiễm mới nhất ở chợ tôm.

Ông Vichan cho biết qua phân tích dịch tễ học, viện phát hiện lao động nhập cư Myanmar thực sự có thể là nguồn gốc của ổ dịch gây lo ngại ở Thái Lan hiện tại.

Giả định này dựa trên các xét nghiệm Covid-19 mới nhất. Kết quả xét nghiệm cho thấy 90% người bệnh là công nhân nhập cư Myanmar sống ở khu vực Samut Sakhon. Viện cũng bắt đầu phân tích gen của virus ở những bệnh nhân này để xác định nguồn gốc và thời gian từng bệnh nhân.


                                                                                                              Lao động nhập cư được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Samut Sakhon. Ảnh: Reuters.


Ông Vichan cũng cho rằng virus lây lan trong cộng đồng công nhân nhập cư vì họ sống trong những căn phòng đông đúc với tiêu chuẩn vệ sinh thấp và hiếm khi đeo khẩu trang.

Theo Asia Times, lao động nhập cư không mang virus từ Myanmar qua biên giới.

Biên giới của Thái Lan với mọi quốc gia láng giềng cũng bị đóng từ tháng 3. Bên cạnh đó, các lao động nhập cư Myanmar đã ở Thái Lan từ trước khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Từ khi ca nhiễm đầu tiên ở Samut Sakhon được phát hiện vào giữa tháng 12, Thái Lan đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa một phần khu vực này.

Và vì hầu hết người dương tính đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, rất khó để phát hiện ổ dịch này sớm hơn.

Tuy nhiên, việc Thái Lan phát hiện các ca nhiễm mới trùng khớp với mô hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia châu Âu: người di cư, người tị nạn, người vô gia cư và những người sống trong các khu ổ chuột chật chội bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với những cộng đồng này, chỉ cần một vài người mắc bệnh, virus sẽ lan ra vượt tầm kiểm soát.

Nhiều người Thái Lan đi châu Âu, Đài Loan, Israel, Hàn Quốc và các quốc gia nước ngoài để làm việc. Tương tự, công dân các quốc gia láng giềng nghèo khó của Thái Lan cũng đến nước này tìm việc.

Theo Asia Times, không có số liệu chính xác nhưng ước tính có khoảng 4-5 triệu lao động nhập cư ở Thái Lan. Phần lớn trong số này đến từ Myanmar.

Họ là lực lượng lao động chính trong các nhà máy chế biến hải sản ở Mahachai, trên thuyền đánh cá ngoài khơi Thái Lan và tại các địa điểm nổi tiếng trong ngành du lịch của nước này.

Hàng nghìn lao động nhập cư cũng quay lại Myanmar khi Thái Lan trải qua khủng hoảng Covid-19 vào đầu năm. Những người này - cùng với lao động nhập cư trở về từ Trung Quốc - khả năng cao là nguồn gốc của ổ dịch Covid-19 ở Myanmar vào thời điểm hiện tại.

Tính đến ngày 26/12, Myanmar ghi nhận 121.280 ca mắc Covid-19 và 2.579 người tử vong. Tuy nhiên, vì xét nghiệm hầu như chỉ được thực hiện ở các đô thị ở miền Trung Myanmar, những số liệu trên không thể hiện thực tế ở đây.

Myanmar không có đủ phương tiện để làm xét nghiệm trên cả nước, truy vết ca nhiễm và chữa trị cho toàn dân. Do đó, Covid-19 vẫn là vấn đề nhức nhối của Myanmar.

Nhập cư trái phép là vấn nạn


Vấn đề này thậm chí còn lan sang quốc gia láng giềng. Vào tháng 12, nhóm khoảng 50 phụ nữ Thái Lan làm việc trong trung tâm giải trí ở Tachilek, Myanmar vượt biên trái phép về nước và không cách ly 14 ngày như quy định. Nhóm này sau đó xét nghiệm dương tính với virus corona.

Cụm dịch này gây ra hoảng loạn ở bắc Thái Lan sau khi vài phụ nữ trong nhóm trên được phát hiện đã đến trung tâm thương mại và rạp chiếu phim ở Chiang Mai.

Bên cạnh đó, người nhập cư Myanmar cũng được các đường dây buôn người đưa sang Thái Lan trái phép. Gần đây, quân đội Thái Lan đã bắt giữ 279 người Myanmar nhập cảnh trái phép tại 3 tỉnh biên giới.

Sau các sự cố và nhiều vụ vượt biên trái phép khác, Thái Lan quyết định mạnh tay hơn với những đối tượng này.

Những người mắc Covid-19 vượt biên trái phép từ Myanmar sẽ phải đối mặt với cáo buộc pháp lý sau khi được điều trị và khỏi bệnh, Ủy viên Cảnh sát Vùng 5 Prachuap Wongsuk ra lệnh cho cảnh sát và Văn phòng nhập cư Mae Sai, huyện giáp biên giới Myanmar.


                                                                                                Người vượt biên trái phép từ Myanmar bị cảnh sát Thái Lan bắt ở biên giới. Ảnh: Piyarat Chongcharoen.


Họ sẽ bị buộc tội nhập cảnh bất hợp pháp, vi phạm Đạo luật Nhập cư năm 1979, vi phạm sắc lệnh khẩn cấp và quy định ban hành ngày 21/3 của Ủy ban Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Chiang Rai.

Họ cũng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khoảng 66,5 USD vì vi phạm Đạo luật Nhập cư và lên đến hai năm tù giam cùng khoản tiền phạt lên đến 1.330 USD vì không tuân theo sắc lệnh khẩn cấp. Người vi phạm quy định cấm qua lại biên giới của Ủy ban Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Chiang Rai cũng bị phạt một năm tù và lên đến khoảng 3.335 USD.

Sau nhiều năm bỏ bê phúc lợi của những công nhân nhập cư, hoạt động của các doanh nghiệp ở Samut Sakhon đang bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.

Amphai Harnkraiwilai, chủ tịch phòng thương mại Samut Sakhon, ngày 21/12 nói với Bangkok Post rằng thiệt hại do đóng cửa chợ tôm đã lên tới 33,4 triệu USD/ngày. Và không chỉ ngành thủy sản mới bị ảnh hưởng nặng nề.

Các doanh nghiệp và dịch vụ liên quan phải đóng cửa, một lễ hội địa phương cũng bị hủy bỏ và trường học phải ngưng hoạt động.

Nghiêm trọng hơn, thái độ của công chúng Thái Lan với những công nhân nhập cư Myanmar vẫn ở lại nước này sau làn sóng hồi hương đầu năm nay có thể trở nên gay gắt.

Rõ ràng những công nhân nhập cư này mắc Covid-19 ở Thái Lan và họ không mang mầm bệnh từ Myanmar sang. Tuy nhiên, người dân khó có thể tỉnh táo suy xét giữa một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn như Covid-19.

Vấn đề là Thái Lan cần công nhân nhập cư làm việc trong các lĩnh vực từ ngư nghiệp đến xây dựng để hồi phục nền kinh tế sau Covid-19. Do đó, nước này không thể hoàn toàn quay lưng với cộng đồng lao động nhập cư.

Tuy nhiên, mặt tích cực mà Covid-19 đem lại với cộng đồng này là giờ đây, họ đã được xét nghiệm và chăm sóc y tế nếu cần.

Theo Zing