leftcenterrightdel
 Một thiếu niên đi bộ dọc theo bãi biển ngập trong rác thải nhựa ở Bali, Indonesia

Cuộc đàm phán INC3 kéo dài một tuần đã quy tụ hơn 500 đề xuất từ các bên liên quan, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và bước tiến thiết thực.

Các nhà đàm phán cho biết, tình hình này cứ tiếp diễn thì phải đến cuối năm 2024, thế giới mới đạt được thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm nhựa, cuộc khủng hoảng hiện vẫn đang tạo ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Hiện đang có 2 luồng ý kiến trái chiều. Phía các tập đoàn công nghiệp nhựa, xuất khẩu dầu và hóa dầu muốn đạt được thỏa thuận toàn cầu hướng đến việc thúc đẩy tái chế và tái sử dụng nhựa. Còn các nhà vận động môi trường và chính phủ các nước như Kenya, Canada, EU cho rằng trọng tâm phải là giảm mức sản xuất nhựa xuống ít hơn nhiều so với hiện nay.

Ở luồng ý kiến thứ 2, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết, một thỏa thuận thành công sẽ đòi hỏi Mỹ và EU phải thể hiện vai trò lãnh đạo hiệu quả hơn, so với những gì họ đã làm cho đến giờ.

Graham Forbes, trưởng phái đoàn Hòa bình xanh, cho biết: “Sự thật phũ phàng là INC3 đã không đạt được dù chỉ mục tiêu cơ bản của mình: đề ra các tiêu chí cốt lõi để chuẩn bị bản dự thảo đầu tiên của hiệp ước”. Về số lượng ý kiến đóng góp, ông Forbes nhận định: “Đây không phải là sự tiến bộ. Đây là sự hỗn loạn”.

Mạng lưới quốc tế loại bỏ chất ô nhiễm (IPEN), một liên minh toàn cầu gồm các tổ chức phi chính phủ chuyên về bảo vệ môi trường, lại cho rằng sự đa dạng của các đề xuất phản ánh sự vững chắc của vòng đàm phán ở Nairobi.

IPEN cho biết, một trong những đề xuất phổ biến nhất từ Thụy Sĩ và Uruguay hướng đến mục tiêu hạn chế các sản phẩm polyme và hóa chất có hại, được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia. Phía LHQ cho biết, họ sẽ tổ chức tiếp 2 vòng đàm phán nữa vào năm tới, cố gắng hoàn tất thỏa thuận.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, chưa đến 10% lượng rác thải nhựa được tái chế, trong khi ít nhất 14 triệu tấn rác loại này được thải ra đại dương mỗi năm.

Theo phụ nữ TPHCM