Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng
Cập nhật lúc 23:54, Thứ sáu, 01/11/2024 (GMT+7)
Theo báo cáo của FAO và WFP, xung đột, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế và tình trạng bất bình đẳng là những nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng an ninh lương thực tại các quốc gia.
|
|
Người tị nạn nhận thức ăn cứu trợ tại Omdurman, Sudan ngày 1/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trong một báo cáo công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 22 quốc gia sẽ xấu đi do nhiều vấn đề.
Báo cáo "Những điểm nóng đói nghèo-cảnh báo sớm về tình trạng mất an ninh lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO)-Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)" đã đánh giá 16 điểm nóng đói trên toàn cầu và phân tích triển vọng trong giai đoạn từ tháng 11/2024-3/2025.
FAO và WFP lưu ý Sudan, Palestine, Nam Sudan, Haiti và Mali là những quốc gia "có mức độ đáng lo ngại cao nhất" và cần "sự chú ý khẩn cấp nhất."
Theo báo cáo, xung đột, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế và tình trạng bất bình đẳng là những nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng an ninh lương thực tại các quốc gia.
Báo cáo nhấn mạnh dù chỉ đối mặt với một vấn đề hoặc sự kết hợp của nhiều vấn đề, các quốc gia cũng có nguy cơ rơi vào những điều kiện nguy hiểm đe dọa tính mạng của người dân.
FAO và WFP nhấn mạnh xung đột và bạo lực vũ trang tiếp tục là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng đói nghèo ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn hệ thống lương thực, buộc người dân phải di dời và cản trở tiếp cận nhân đạo.
Về tình hình biến đổi khí hậu, FAO và WFP cảnh báo hiện tượng thời tiết La Nina có thể làm gia tăng các sự kiện cực đoan và đe dọa hệ thống lương thực mong manh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở các khu vực dễ bị tổn thương cho đến đầu mùa Xuân tới.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế và mức nợ công cao ở các nước đang phát triển cũng đang cản trở khả năng của các chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi nghèo đói và những cú sốc do biến đổi khí hậu.
Nhắc đến năm điểm nóng đói nghèo được coi là có mức độ quan ngại cao nhất là Sudan, Palestine, Nam Sudan, Haiti và Mali, Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu nhấn mạnh sự cần thiết cho một lệnh ngừng bắn nhân đạo, khôi phục khả năng tiếp cận và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cao.
Ông Dongyu nhấn mạnh hòa bình và ổn định là điều cần thiết để nông dân sản xuất thực phẩm, thu hoạch và duy trì sinh kế của họ.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành WFP Cindy McCain cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động và hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc để huy động các nguồn lực và đối tác cần thiết nhằm chặn đứng nạn đói toàn cầu./.
Theo vietnamplus