Liên Hợp Quốc kêu gọi nhiều vắc-xin COVID-19 hơn cho châu Phi
Cập nhật lúc 23:56, Thứ năm, 20/05/2021 (GMT+7)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường nguồn cung vắc-xin cho châu Phi, bày tỏ lo ngại khi châu lục này chỉ mới nhận khoảng 2% trong tổng số liều được sử dụng trên toàn cầu.
Liên Hợp Quốc kêu gọi nhiều vắc-xin COVID-19 hơn cho châu Phi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, phát biểu tại cuộc họp hội đồng do Trung Quốc tổ chức rằng nguồn cung, khả năng tiếp cận vắc-xin hạn chế đang cản trở và trì hoãn sự phục hồi của châu Phi sau đại dịch.
Ông Guterres cho biết: “Trong số 1,4 tỷ liều được sử dụng trên khắp thế giới hiện nay, chỉ có 24 triệu liều chuyển đến châu Phi - chưa đến 2%… Việc triển khai vắc-xin công bằng và bền vững toàn cầu là con đường nhanh nhất để hướng tới sự phục hồi nhanh chóng và công bằng”.
Tuyên bố kêu gọi “tăng cường và đẩy nhanh việc quyên góp liều vắc-xin an toàn và hiệu quả từ các nền kinh tế phát triển”, đặc biệt là thông qua chương trình ACT-Accelerator của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm kế hoạch COVAX để mua và cung cấp vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp.
Lời kêu gọi đã được tất cả 15 thành viên thông qua tại cuộc họp hội đồng về việc thúc đẩy phục hồi sau đại dịch ở châu Phi và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột trên lục địa này. Đồng thời nhắc lại nhu cầu “tiếp cận công bằng với các chẩn đoán, phương pháp điều trị, thuốc men và tiêm chủng COVID-19 chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”.
Ông Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi nói trong cuộc họp trực tuyến: “Thách thức lớn nhất mà châu Phi đang phải đối mặt ngày nay là vấn đề vắc-xin”. Ông cho biết xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều người châu Phi bị nhiễm SARS-CoV-2, trong khi tỷ lệ tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng.
“Cần phải chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ vắc-xin và chủ nghĩa dân tộc vắc-xin đang đe dọa việc tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập thấp” - ông Moussa Faki Mahamat nói.
Ông Mahamat chia sẻ thêm dịch bệnh sẽ tiếp tục có "tác động sâu sắc" đến sự phát triển kinh tế và xã hội ở châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và những nước bất ổn chính trị.
“Thật là một sai lầm lớn khi nghĩ rằng thế giới sẽ được an toàn (trong khi) lục địa châu Phi vẫn thiếu sự bảo vệ chống lại virus và các biến thể của nó” - Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi nhấn mạnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho biết tăng trưởng kinh tế ở châu Phi đã chậm lại, ước tính khoảng 3,4% trong năm 2021, thấp hơn so với mức trung bình 6% trên toàn cầu, trong khi các khoản nợ ngày càng tăng.
“Nhân danh chống khủng hoảng, một số chính phủ đã hạn chế các quy trình dân chủ. Ở một số quốc gia, đại dịch đi cùng với những lời lẽ gây chia rẽ, lời nói căm thù, kích động bạo lực và thông tin sai lệch độc hại, những điều này đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và làm xói mòn lòng tin" - ông Guterres nói.
Theo phunuonline