leftcenterrightdel
 Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/3, UAE và Ai Cập đã thả lô hàng viện trợ nhân đạo thứ 3 bằng đường hàng không xuống cho người dân ở phía Bắc Gaza.

Hãng thông tấn WAM của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết lô hàng viện trợ nhân đạo này gồm 38 tấn thực phẩm và vật tư y tế, nâng tổng số hàng cứu trợ được thả xuống Gaza lên 116 tấn, kể từ khi bắt đầu chiến dịch viện trợ.

Ngoài ra, các máy bay của Jordan, Mỹ và nhiều nước khác cũng đã nhiều lần thả thực phẩm xuống Dải Gaza.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen sẽ đến Cộng hòa Cyprus trong ngày 7/3 và thăm cảng Larnaca, nơi được xác định là điểm xuất phát của các chuyến hàng viện trợ. Cộng hòa Cyprus nằm cách Gaza 370 km (230 dặm) về phía Tây Bắc ở Địa Trung Hải và là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) gần nhất với khu vực.

Cùng ngày, Đại sứ Qatar tại Liên hợp quốc Sheikha Alya Ahmed bin Saif Al-Thani cho biết Doha sẽ cung cấp 25 triệu USD cho Tổ chức cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Theo Đại sứ Al-Thani, khoản tiền này là để giúp đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp mà UNRWA hiện đang gặp phải, “đặc biệt là trong bối cảnh thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza."

Bên cạnh đó, bà Al-Thani nhấn mạnh rằng không có giải pháp thay thế nào cho UNRWA, đặc biệt là trong điều kiện nhân đạo thảm khốc tại Gaza. Ngoài ra, Qatar cũng kêu gọi các quốc gia đã đình chỉ hỗ trợ cho UNRWA xem xét lại và đảo ngược quyết định của mình.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi đưa viện trợ vào Gaza trong bối cảnh nạn đói lan rộng tại đây. Ông Ghebreyesus tuyên bố: “Những đứa trẻ sống sót sau trận oanh tạc nhưng có thể không sống sót sau nạn đói. Cần cho phép thêm viện trợ cho Gaza và tiến hành ngừng bắn."

Lời kêu gọi của Tổng Giám đốc WHO được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo về trẻ em chết vì suy dinh dưỡng tại khu vực bị bao vây này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine kêu gọi Israel mở các cửa khẩu biên giới để cho phép viện trợ vào Dải Gaza, đồng thời lên án việc ngăn chặn hàng viện trợ, đặc biệt là tại phía Bắc Gaza. Bộ trên cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế nhanh chóng nhằm ngăn cản Israel xây dựng thêm các khu định cư.

Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện trách nhiệm bảo vệ người dân Palestine trước thảm họa nhân đạo đang ngày càng tồi tệ tại Dải Gaza.

Trong cuộc gặp ở Cairo ngày 6/3 với phái đoàn của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh do Chủ tịch Ủy ban Alicia Kearns dẫn đầu, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh tình hình nhân đạo ở Gaza đòi hỏi các các giải pháp dứt khoát hướng tới một lệnh ngừng bắn, đồng thời nêu rõ giải pháp lâu dài và công bằng cho những căng thẳng ở Trung Đông nằm ở việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, phù hợp với các nghị quyết quốc tế.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời nêu bật tình hình an ninh hiện nay ở Biển Đỏ và eo biển Bab-El-Mandeb.

Trong bối cảnh tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đang đến gần, các nhà hòa giải từ Ai Cập, Qatar và Mỹ đã và đang nỗ lực hết sức để môi giới một lệnh ngừng bắn tiềm năng ở Dải Gaza nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 tháng qua.

Các nhà hòa giải kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện cho một thỏa thuận trao đổi tù nhân và tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Thỏa thuận được đề xuất tạm ngừng giao tranh trong ít nhất 6 tuần và tạo điều kiện cho việc phóng thích khoảng 100 tù nhân Israel bị lực lượng Hamas giam giữ ở Gaza để đổi lấy tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine./.

Theo vietnamplus