Alexey Turchin, tác giả lộ trình 4 bước giúp con người bất tử

 

Kèm theo nghiên cứu này, Alexey đã cho công bố nghiên cứu dài kỳ mang tên "Classification of Approaches to Technological Resurrection for the Foundation Science for Life Extension" (tạm dịch: Phân loại phương pháp tiếp cận công nghệ phục sinh cho nền tảng khoa học kéo dài tuổi thọ). Đây là nghiên cứu chuyên sâu, được hoàn thành cùng đồng nghiệp Maxim Chernyakov.

Trang tin Dailystar (DCU) của Anh đã phỏng vấn Alexey Turchin. Tác giả cho hay, cái chết dường như là một sự vĩnh hằng nhưng không có bằng chứng thực tế nào chứng minh rằng sự kiện này không thể đảo ngược. "Với nghiên cứu trên, chúng tôi liệt kê tất cả các cách để giúp con người có được giấc mơ bất tử mà không mâu thuẫn với những gì khoa học hiện đại đề cập. Tuy chưa có phương pháp nào thành công nhưng nó sẽ khả thi một khi công nghệ tương lai đạt tới đỉnh cao", Alexey Turchin nói.

Lộ trình 1 hay Kế hoạch A đơn giản là tồn tại và chờ đến khi công nghệ đủ tiên tiến để kéo dài tuổi thọ. Đồng thời, muốn sống lâu phải ngăn chặn cái chết bằng cách thay thế các bộ phận cơ thể bằng các cơ quan được chế tạo bởi công nghệ sinh học hoặc sống trong "cơ thể nano".

Lộ trình 2 hay Kế hoạch B: Do lộ trình 1 không khả thi nên Kế hoạch B là dùng kỹ thuật cryonics hay kỹ thuật đông lạnh cơ thể cho đến khi công nghệ tiên tiến thì hồi lưu trở lại, chữa những bệnh trước đây mắc phải để tái sinh khỏe mạnh. Cryonics còn được gọi là kỹ thuật đông xác, bảo quản ở nhiệt độ thấp (thường ở -196°C). Việc bảo quản lạnh đông là không thể đảo chiều với công nghệ hiện nay. Các chuyên gia đông xác hy vọng, tiến bộ y học tương lai sẽ cho phép mọi người trữ lạnh để được hồi sinh. Xác chết đầu tiên được trữ lạnh là của tiến sĩ James Bedford năm 1967. Tính đến năm 2014, khoảng 250 thi thể được trữ lạnh tại Mỹ và 1.500 người đã thu xếp để bảo quản lạnh sau khi chết.

Lộ trình 3 hay Kế hoạch C được gọi là "Bất tử kỹ thuật số". Lộ trình này liên quan đến việc bảo tồn dữ liệu về một người cụ thể để họ có thể được tái tạo trong tương lai bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Để chứng minh cho kế hoạch, nhóm đề tài đã đưa ra minh chứng là loạt phim viễn tưởng bom tấn như Black Mirror. Phim miêu tả một người phụ nữ tái tạo người chồng đã chết của mình bằng kỹ thuật cyborg, tạo ra cơ thể một người máy dựa trên lịch sử mạng xã hội của người chồng. Liên quan đến kế hoạch này, Alexey Turchin đã tiết lộ với trang tin Israel 365 News rằng, bản thân ông cũng đang lưu giữ thông tin lịch sử của bản thân, ghi lại từng phút về cuộc sống của mình và hy vọng ngày nào đó, một AI siêu thông minh sẽ có thể lấy tất cả thông tin này và tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của chính mình. Người được số hóa này thậm chí có thể được tải ý thức xuống cơ thể vật chủ được nhân bản từ chính cơ thể của họ khi còn sống.

Lộ trình 4 hay Kế hoạch D rất đơn giản, có niềm tin vào khả năng bất tử, dù bằng cách lượng tử hay thông qua trí tuệ nhân tạo. Turchin khuyến cáo, mọi người nên áp dụng tất cả 4 cách tiếp cận trên để có cơ hội sống mãi nhưng phải kiên trì chờ đợi.

Ngoài lộ trình nói trên, trong nghiên cứu, Alexey Turchin còn đề cập tới một công nghệ khác có thể giúp con người có một cuộc sống "trẻ mãi không già". Đó là du hành thời gian giúp người chết sống lại. Một cỗ máy du hành thời gian cần một nguồn năng lượng khổng lồ mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể được cung cấp bởi Quả cầu Dyson, nhu cầu năng lượng tương đương với một ngôi sao. Một Quả cầu Dyson xung quanh Mặt trời sẽ tạo ra khoảng 400 tỷ watt mỗi giây. Điều này dẫn đến khả năng trường sinh bất tử hoặc đảo ngược cái chết là hoàn toàn khả thi.

Khắc Nam (dịch)