Fardowsa Salat Mohamed (đến từ thị trấn Baidoa, Somalia) mới 15 tuổi khi người anh họ xin bố mẹ cô gả con gái cho. Người cha không ngần ngại đồng ý.

Khi Mohamed phản đối, ông yêu cầu cô lựa chọn giữa “lời nguyền hoặc phước lành”.

“Đó không phải là sự lựa chọn đối với tôi. Về cơ bản, tôi đã bị ép buộc. Không cô gái nào lại muốn bị cha mẹ nguyền rủa nên tôi đành chấp nhận cuộc hôn nhân đó”, cô nói.

Khi còn đi học, Mohamed mơ ước trở thành bác sĩ. Cô phải vứt bỏ mọi thứ và trở thành một người vợ. Ba năm sau, Mohamed ly hôn khi có 2 đứa con. Hiện cô trở về sống ở nhà bố mẹ đẻ.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ Somalia, 34% thiếu nữ ở nước này kết hôn trước năm 18 tuổi, 16% trong số họ là trước sinh nhật 15 tuổi, theo The Guardian.

Trong khi trẻ em kết hôn vì nhiều lý do khác nhau (ví như lợi ích kinh tế từ của hồi môn) và sự gia tăng các trường hợp tảo hôn được báo cáo trong đại dịch Covid-19, tình trạng này bắt nguồn từ văn hóa Somalia.

Một câu nói cổ của người Somalia có nội dung: “Gabadh ama god hakaaga jirto ama gunti rag”, tạm dịch là “một cô gái hoặc chọn kết hôn hoặc ở trong một ngôi mộ”.

Bàn tay được vẽ henna của một cô gái Somalia. Dự luật mới có thể cho phép trẻ em nước này kết hôn khi vừa dậy thì.

Trẻ em bị đẩy gần hơn tới nạn tảo hôn


Kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi không phải điều bất hợp pháp ở Somalia, mặc dù hiến pháp nước này cấm việc đó. Quốc gia ở châu Phi cũng từng ký kết một số hiệp ước quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này.

Tháng 7/2014, chính phủ Somalia đã ký một hiến chương cam kết chấm dứt nạn tảo hôn vào năm 2020. Nhưng tháng 8 vừa qua, Quốc hội Somalia đã đưa ra xem xét một dự luật gây tranh cãi, cho phép trẻ em kết hôn khi vừa dậy thì, có thể là 10 tuổi.

Dự luật tội phạm liên quan đến quan hệ tình dục cũng sẽ cho phép việc kết hôn nếu cha mẹ đồng ý. Liên Hợp Quốc tuyên bố dự luật này là “sai lầm sâu sắc” .

Dự luật mới vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội sau khi các nghị sĩ nhận định nó khác với dự luật tội phạm tình dục được các bộ trưởng nhất trí thông qua vào năm 2018 song chưa được ban hành, nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hình sự hóa hàng loạt tội phạm tình dục một cách hiệu quả.

Năm 2019, chủ tịch hạ viện gửi lại dự thảo luật, được phát triển từ năm 2013, cho nội các yêu cầu thay đổi. Nó không được thi hành cho đến 2 tuần trước, khi một phiên bản mới được giới thiệu dưới cái tên: Dự luật tội phạm liên quan đến quan hệ tình dục.

Sahra Omar Ma’alin, thành viên ủy ban nhân quyền của quốc hội, cho biết: “Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Chúng ta phải bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Chúng tôi đã yêu cầu phó chủ tịch trả lại bản gốc dự thảo luật mà chúng tôi đã nỗ lực vì nó trong nhiều năm. Đó là tài liệu toàn diện cung cấp cho phụ nữ sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng”.

Bé gái Somalia tham gia lớp học trong ngôi trường tạm bợ tại trại tị nạn ở Mogadishu.

Sự bất ổn chính trị hiện tại của Somalia và cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra khiến Ma’alin cùng các tổ chức xã hội dân sự khó có thể giữ được áp lực về vấn đề nhân quyền.

Đất nước hiện được điều hành bởi một chính phủ tạm thời, sau khi Thủ tướng Hassan Ali Khaire bị bãi nhiệm trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 7.

“Đó là cuộc chạy đua với thời gian vì nhiệm vụ của nghị viện sẽ kết thúc sau vài tháng nữa. Số phận những đứa trẻ đang bị chính trị hóa. Một số chính trị gia đang sử dụng dự luật như công cụ vận động tranh cử. Họ đã cố thực hiện cuộc bỏ phiếu giống như cách từng sử dụng để loại bỏ cựu thủ tướng chỉ trong một cuộc tranh luận kéo dài 7 phút. Nhưng chúng tôi không bao giờ cho phép điều đó xảy ra”, Ma’alin tuyên bố.

Năm 2015, Somalia đã phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em, được Liên Hợp Quốc hoan nghênh là thành tựu quan trọng đối với 6,5 triệu trẻ em của đất nước.

Brendan Ross, trưởng bộ phận bảo vệ trẻ em tại UNICEF ##Somalia, cho biết: “Đó là bước phát triển đáng kinh ngạc. UNICEF đã hỗ trợ chính phủ Somalia trong việc thực thi công ước đó. Về dự thảo luật cho phép các bé gái kết hôn khi họ ‘có khả năng tình dục’, chúng tôi chắc chắn phản đối. Liên Hợp Quốc cũng thống nhất về quan điểm này”.

Fardowsa Salat Mohamed đã mất 5 tháng để thuyết phục bố mẹ cho phép cô ly hôn. Chồng cũ của cô nghiện chewing khat - một loại lá có chất kích thích phổ biến ở Đông Phi.

Cô nói: “Anh ta tiêu hết số tiền ít ỏi kiếm được cho chewing khat thay vì mua sữa cho những đứa con đói khát của chúng tôi. Anh ta đã lợi dụng sự ủng hộ từ gia đình tôi. Nhưng tôi đã không bỏ cuộc và tiếp tục đấu tranh cho đến khi bản thân có thể cảm thấy nhẹ nhõm”.

Dù được bố mẹ đón về nhà, Mohamed vẫn phải tự nuôi con. Cha cô chỉ có thể giúp được đến vậy, vì ông phải vật lộn để nuôi 10 người con và 2 bà vợ.

Mohamed hiện kiếm sống bằng nghề bán trà trên đường phố, chịu đựng sự kỳ thị liên quan đến việc làm mẹ đơn thân.

“Những ưu tiên của tôi trong cuộc sống đã thay đổi. Mục tiêu chính của tôi bây giờ là xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho các con để chúng không bao giờ phải trải qua những điều như mẹ chúng từng gặp”, cô nói.

 

Theo  Zing