|
|
Bà Vân (ở giữa) cùng các con đỡ đầu (Ảnh: Thành Luân). |
Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết, bà đến với chương trình Ươm mầm hữu nghị từ năm 2019 khi tham dự một chương trình tại chùa Phổ Minh (thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, bà được giới thiệu làm mẹ đỡ đầu của một nữ sinh viên Campuchia tên là Ath Sreyneang.
"Đó là một cô gái gầy gò, thấp bé, sức khỏe có vẻ yếu ớt. Cháu học Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, nói tiếng Việt chưa sõi lắm. Tôi đã rất xúc động khi cháu lập tức gọi tôi là: “Mẹ”, hỏi han tôi đủ điều…", bà Vân kể.
Cũng từng du học xa quê hương nhiều năm nên bà Vân rất đồng cảm với tâm trạng của Ath Sreyneang khi đi học ở Việt Nam: nhớ gia đình, lo lắng cho việc học hành, sinh hoạt ở xứ người. Bà quyết tâm giúp cô gái nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ath Sreyneang thường được anh em nhân viên Bảo tàng Áo dài đón từ ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lên Bảo tàng ở quận 9 vào cuối tuần. Nhân viên chào đón em như một người thân. Bà Huỳnh Ngọc Vân đặt cho Ath Sreyneang tên gọi Việt Nam để mọi người dễ nhớ, dễ gọi. Em rất thích thú khi nghe bà Vân giải thích ý nghĩa của chữ An, tên tiếng Việt của em.
Tại Bảo tàng Áo dài, Ath Sreyneang được gặp gỡ các bạn sinh viên Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan, học tập; cùng các cô, chú ở Bảo tàng đi hái rau, cùng ăn trưa vui vẻ. Em phấn khởi mặc chiếc áo mới mẹ Vân tặng, chụp ảnh khoe lên facebook, zalo…
Ath Sreyneang rất chăm chỉ học hành, tích cực tham gia phong trào của sinh viên Campuchia đang học tại thành phố Hồ Chí Minh. Em không chỉ kể chuyện vui trong trường lớp mà còn sẵn sàng tâm sự về những khó khăn trong sinh hoạt của mình như một cô con gái ruột thịt.
"Tôi thường xuyên khuyên nhủ, động viên cháu, khen ngợi những cố gắng, nỗ lực của cháu khi phải học tập tốt giữa đại dịch. Trồng được cái cây đẹp trong ký túc xá cháu cũng chụp ảnh khoe với mẹ. Em trai bị ốm phải ra Hà Nội chăm sóc cũng kể mẹ nghe và tôi đã gửi gắm bạn bè để giúp đỡ cháu khi cần", bà Vân cho biết.
Câu chuyện "tuyển dụng" Ath Sreyneang vào Bảo tàng Áo dài khiến bà Vân nhớ mãi. Cuối năm 2020, Ath Sreyneang báo tin không thể về nước đón Tết do dịch bệnh. Bà Vân giả vờ “tuyển dụng” em vào làm việc ngắn hạn tại Bảo tàng Áo dài để có thể vừa giúp đỡ tiền bạc vừa dạy bảo em, lại giúp em nguôi nỗi nhớ nhà khi không được về quê mùa Tết.
"Ath Sreyneang rất hồn nhiên, vui mừng đi “học việc” ở Bảo tàng Áo dài cùng các anh chị, các cô chú nhân viên một cách chăm chỉ, cần cù. Cuối tuần tôi đã trao “tiền lương” để nhóm dịch vụ thanh toán cho cháu, có ký nhận hẳn hoi. Có lẽ đến bây giờ, cháu không biết điều đó!", bà Vân nói.
Một hôm Ath Sreyneang xin phép dẫn một sinh viên Campuchia khác đến và xin bà Vân “tuyển dụng” người bạn này. Đó là Sopha Chouk, một chàng trai cao lớn, bảnh bao, lanh lợi, khéo léo. "Chúng tôi gọi Sopha là Pha - tên gọi có phát âm tương tự và giao cho cháu những công việc mang tính mỹ thuật, phù hợp với một sinh viên Đại học Kiến trúc như cháu. Việc gì cháu cũng hoàn thành tốt với một vẻ tự tin cùng những lý lẽ thuyết phục. Cuối tuần cháu cũng hồn nhiên ký nhận “tiền lương” và rất vui mừng khi vẫn có thể kiếm tiền trong mùa dịch bệnh. Ngày Tết Nguyên Đán 2021 tôi đón hai cháu về nhà. Pha than thở bị thất lạc cha đỡ đầu vì không biết cách liên lạc ngay lúc mới sang Việt Nam, cháu xin được làm con trai đỡ đầu của tôi. Tất nhiên tôi đón nhận cháu và lại hết lòng yêu thương “thằng Pha", bà Vân kể.
Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, dù phải chăm lo cho gia đình, cho nhân viên Bảo tàng Áo dài bà Vân vẫn không quên hỏi thăm, nhắc nhở các con đỡ đầu phòng ngừa thật tốt, chích vaccin đúng hạn. Biết các em phải ở ký túc xá, không đi lại được để mua sắm vật dụng, thức ăn bà Vân vừa chuyển tiền vừa đặt hàng hóa gửi vào. Nhờ vậy các em giữ vững tinh thần, sức khỏe để học tập và vượt qua dịch bệnh.
"Thỉnh thoảng cháu Pha lại ngây thơ hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ thương con nhiều như vậy?”. Tôi bảo: “Vì con ngoan, học giỏi, đẹp trai”, cháu Pha rất xúc động, tự hào... Tôi ít sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn cố gắng tương tác, nhắn tin, bình luận trên facebook, zalo để các cháu và bạn bè hiểu được mẹ đỡ đầu theo dõi con từng ngày. Hai cháu đều được bình chọn là sinh viên Campuchia tiêu biểu ở thành phố Hồ Chí Minh và đều tự hào khoe với mẹ. Gia đình các cháu ở Campuchia rất xúc động khi biết các cháu được quan tâm, chăm lo trong mùa dịch bệnh bằng tấm lòng của mẹ đỡ đầu và nhân viên Bảo tàng Áo dài. Các cháu đã có cả một đại gia đình Việt Nam bên cạnh...", bà Vân tự hào.
Khi hai con đỡ đầu sắp tốt nghiệp về nước, bà Vân đã đặt may cho mỗi người một chiếc áo dài Việt Nam thật đẹp. Hai em đều thích thú, xúc động, chụp ảnh khoe bạn bè, người thân. Trước khi chia tay, các em vẫn tranh thủ đến Bảo tàng Áo dài, cùng mẹ và nhân viên Bảo tàng chăm lo cho nhóm sinh viên khuyết tật đến giao lưu…
Nhìn các con đỡ đầu chia sẻ trên facebook tình cảm lưu luyến, biết ơn mẹ đỡ đầu như một người thân của mình, bà Vân coi đó chính là món quà lớn nhất mà các con để lại khi chia tay.
"Yêu thương, chia sẻ, dạy dỗ, động viên là điều tôi đã làm cho con ruột của mình và cũng cho các con đỡ đầu Campuchia của tôi. Các cháu sẽ mãi là con trai, con gái của tôi dù cách xa. Tôi luôn cầu mong cho các cháu khỏe mạnh, bình an, trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước Campuchia ngày càng giàu đẹp", bà Huỳnh Ngọc Vân nói.
Theo thoidai