Những ngày gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Mỹ xóa ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt khỏi điện thoại di động. Họ lo ngại dữ liệu mà ứng dụng thu thập được sẽ bị cơ quan chức năng ở các bang cấm phá thai sử dụng làm tài liệu điều tra hình sự trong tương lai.
Xu hướng này nhen nhóm từ khi bản dự thảo ý kiến của Tòa án tối cao Mỹ bị rò rỉ. Guardian cho rằng đây không phải là những lo ngại vô căn cứ. Cũng như nhiều ứng dụng khác, ứng dụng theo dõi sức khỏe sinh sản thu thập thông tin, lưu trữ và đôi khi chia sẻ dữ liệu cho bên thứ 3. Khi phá thai bị coi là phạm luật, các công tố viên có thể yêu cầu những ứng dụng này trình thông tin thu thập được của cá nhân nào đó.
“Nếu họ đang truy tố cá nhân phá thai bất hợp pháp, họ có thể gửi trát hầu tòa đến công ty sở hữu ứng dụng”, Sara Spector - luật sư hình sự tại Texas và là cựu công tố viên - cho biết. “Tuy nhiên, mọi công ty đều có chính sách bảo mật và lưu trữ riêng về cách họ sử dụng và thời gian lưu trữ dữ liệu”.
Lo ngại dữ liệu riêng tư thành bằng chứng trước tòa
Phụ nữ thường xuyên sử dụng ứng dụng theo dõi kỳ kinh là vì tính tiện lợi. Theo khảo sát năm 2019 do Kaiser Family Foundation công bố, gần 1/3 phụ nữ Mỹ sử dụng loại ứng dụng này.
Các ứng dụng này giúp cuộc sống của phụ nữ dễ dàng hơn theo nhiều cách, từ kế hoạch hóa gia đình và phát hiện dấu hiệu sức khỏe bất thường, cho đến lựa chọn thời điểm đi du lịch.
Hai công cụ theo dõi chu kỳ phổ biến nhất ở Mỹ - Flo và Clue - có tổng hơn 55 triệu người dùng.
Clue - có trụ sở tại Đức - cho biết họ cam kết bảo vệ dữ liệu sức khỏe riêng tư của người dùng, hoạt động theo luật bảo vệ dữ liệu chung GDPR nghiêm ngặt của châu Âu. Clue không theo dõi vị trí chính xác hay lưu trữ dữ liệu cá nhân nhạy cảm mà chưa nhận được sự đồng ý của người dùng.
Công ty cũng nêu rõ họ có “nghĩa vụ pháp lý theo luật châu Âu”, không tiết lộ dữ liệu sức khỏe cá nhân và sẽ “không phản hồi mọi yêu cầu tiết lộ hoặc trát đòi dữ liệu sức khỏe của người dùng bởi giới chức Mỹ”.
Tuy nhiên, theo Lucie Audibert, luật sư tại tổ chức Privacy International, việc dữ liệu được xử lý bởi một công ty châu Âu không có nghĩa là Mỹ không thể động tới những dữ liệu này.
“GDPR không đúng trong trường hợp này. Khi nhận được yêu cầu hợp pháp chính đáng từ các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, các công ty châu Âu sẽ thường tuân thủ. Ngoài ra, khi một công ty châu Âu đang lưu trữ dữ liệu bên ngoài EU, họ phải tuân theo các khuôn khổ pháp lý khác nhau và thỏa thuận xuyên biên giới”, luật sư Audibert nói.
Bà cũng nhấn mạnh việc sử dụng ứng dụng có trụ sở ở châu Âu không thể bảo vệ phụ nữ nếu tòa án trực tiếp yêu cầu dữ liệu. Tuy nhiên, đây vẫn là lựa chọn lạc quan hơn việc sử dụng ứng dụng của công ty có trụ sở ở Mỹ, vì các công ty này buộc phải tuân theo luật Mỹ, trong khi sẽ có chút rào cản với công ty ở châu Âu.
|
Flo - ứng dụng theo dõi kinh nguyệt phổ biến ở Mỹ - từng bị chỉ trích vì chia sẻ dữ liệu người dùng. Ảnh:Shutterstock.
|
Trước đây, Flo từng bị chỉ trích vì chia sẻ dữ liệu người dùng. Công ty nói họ chỉ sử dụng dữ liệu “cho hoạt động nghiên cứu”, và chỉ dùng “dữ liệu tổng hợp hoặc không thể xác định hay liên kết” với cá nhân cụ thể.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của Wall Street Journal phát hiện ứng dụng này đã thông báo cho Facebook khi người dùng đến kỳ kinh nguyệt hoặc có ý định mang thai.
Vào năm 2021, trong thỏa thuận với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), Flo phải trải qua quy trình xem xét độc lập về chính sách bảo mật. Flo không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
Hôm 24/6, Flo thông báo sẽ sớm tung ra "Chế độ ẩn danh" để bảo vệ dữ liệu người dùng trong mọi trường hợp.
Planned Parenthood khuyến khích mọi người sử dụng ứng dụng Spot On.
“Những người muốn theo dõi kỳ kinh và kiểm soát sức khỏe sinh sản có thể chọn chế độ ẩn danh mà không cần tạo tài khoản”, tổ chức này cho hay. “Dữ liệu sẽ chỉ được lưu trữ cục bộ vào điện thoại của bạn và có thể xóa bất cứ lúc nào, chỉ cần xóa ứng dụng là xong”.
Trong khi đó, Apple tích hợp sẵn công cụ theo dõi chu kỳ trong ứng dụng Sức khỏe, một cách riêng tư hơn nhiều so với việc dùng ứng dụng thứ 3. Chỉ với vài bước, người dùng có thể tắt chức năng lưu trữ dữ liệu trong iCloud.
Không chỉ mỗi ứng dụng theo dõi kinh nguyệt
Melissa, bà mẹ 27 tuổi đến từ Texas, cho biết cô đã xóa ứng dụng vì lo ngại khi cô đi du lịch, chính quyền bang sẽ lợi dụng dữ liệu trễ kinh của cô.
“Tôi đã sử dụng ứng dụng này rất nhiều, ví dụ như để theo dõi thời điểm có kinh hoặc dự đoán khi nào tâm trạng tôi thay đổi. Đôi khi, tôi cáu kỉnh khi thức dậy, và ứng dụng cho tôi biết đây là điều bình thường vào thời điểm này trong chu kỳ của tôi”, cô nói thêm, đồng thời cho hay mình sẽ không sử dụng ứng dụng kiểu này nữa.
Evan Greer - Phó giám đốc nhóm phi lợi nhuận Fight for the Future - cho biết cách tốt nhất để bảo vệ dữ liệu sức khỏe là chỉ sử dụng các ứng dụng lưu trữ dữ liệu cục bộ, thay vì lưu trữ trên đám mây.
|
Hàng triệu phụ nữ trên toàn cầu đang sử dụng các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt vì nhiều mục đích khác nhau. Ảnh:Pop Sugar.
|
Eva Blum-Dumontet, nhà tư vấn chính sách công nghệ, cho biết thay vì yêu cầu người dùng thay đổi hành vi, thì "chính các công ty nên thay đổi cách hoạt động”.
“Lẽ ra ngay từ đầu các công ty đã không được phép sở hữu nhiều dữ liệu đến như vậy. Nếu họ áp dụng biện pháp như lưu trữ cục bộ và giảm thiểu yêu cầu cung cấp dữ liệu xuống mức thấp nhất, chúng ta đã không phải tranh luận về vấn đề này bây giờ. Vẫn chưa quá muộn để làm điều đúng đắn”, bà nói.
“Các công ty đang kiếm lợi nhuận từ cơ thể phụ nữ cần suy nghĩ kỹ về cách bảo vệ người dùng”, bà nói. “Cách duy nhất để có thể tồn tại trong thị trường này, cách duy nhất để người dùng tin tưởng là cải thiện chính sách quyền riêng tư. Nếu (dữ liệu của) bất kỳ ứng dụng nào bị tòa án sử dụng chống lại người dùng của họ trước tòa, điều này sẽ khiến hình ảnh của họ xấu đi rất nhiều”.
Các chuyên gia cảnh báo mặc dù phần lớn phụ nữ đang tập trung vào các ứng dụng theo dõi sức khỏe sinh sản, đây không phải là kiểu ứng dụng duy nhất có thể chống lại người dùng trước tòa.
“Google Maps hoặc một trò chơi trên điện thoại dễ dàng trở thành vũ khí chống lại người dùng, như ứng dụng theo dõi kinh nguyệt vậy”, ông Greer nói. “Mặc dù các cá nhân cũng cần phòng ngừa, trách nhiệm này còn thuộc về các công ty và giới lập pháp” trong việc bảo vệ quyền riêng tư.
Theo Zing