Vợ chồng Lisa ly dị sau 12 năm gắn bó. Thế nhưng, cô cũng chẳng có nơi nào để rời đi bởi Melbourne (Australia) đang phong tỏa. Cô đành chuyển sang ngủ riêng ở phòng của con gái mình.

“Ngôi nhà của chúng tôi không quá lớn, nhưng cũng đủ để có khoảng cách giữa đôi bên nếu mỗi người ở một phòng riêng”, cô nói với Guardian.

 
 
ly hon nhung song chung nha anh 1
Đại dịch làm gia tăng số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng. Ảnh:iStock.
 

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Lisa và chồng từng tham dự các buổi tư vấn hôn nhân. Song, khi toàn thế giới đóng cửa, họ cảm thấy “rất khó để làm điều đó trực tuyến”.

Cuối cùng, vào tháng 3/2020, trùng với đợt phong tỏa đầu tiên của thành phố, cặp vợ chồng đã đưa ra quyết định ly hôn.

Tuy nhiên, giữa những bất ổn của đại dịch, họ muốn duy trì một môi trường gia đình ổn định cho 3 đứa con đang ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học của mình. Nói cách khác, Lisa và chồng cũ đang cùng nhau “xây tổ” - nơi một cặp đã chia tay nhưng vẫn sinh hoạt dưới chung một mái nhà.

Xu hướng "xây tổ"

Cassandra Kalpaxis, luật sư ly hôn tại Sydney (Australia), cho biết cô ngập đầu với vô số thắc mắc về việc vợ chồng cũ “xây tổ” kể từ khi phong tỏa bắt đầu.

Arabella Feltham, với tư cách là cố vấn ly hôn của công ty Separation Guide, cũng gặp trải nghiệm tương tự.

“Tôi nhận thấy số người bàn luận về việc ‘xây tổ’ tăng lên rõ rệt. Họ tự nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu rồi hỏi rằng liệu đó có phải một lựa chọn khả thi nhằm giúp giảm căng thẳng leo thang và giữ bầu không khí hòa giải không? Những gì họ đang cố gắng làm là bảo vệ môi trường gia đình cho con cái và tránh tác động đến lũ trẻ ít nhất có thể”, Feltham nói.

Với sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học, Lisa và chồng cũ đã cùng nhau lập một kế hoạch nuôi dạy con cái trên mạng.

“Chúng tôi giao tiếp qua Internet dù ở chung một nhà. Chúng tôi cũng thỏa thuận với bọn trẻ rồi. Ví dụ, nếu đó không phải buổi tối dành cho con cái, tôi sẽ ra đường lúc 19h để chồng cũ chơi với các con”, cô chia sẻ với Guardian.

Lisa cho biết kế hoạch này khá hữu ích, đã biến mối quan hệ giữa cô và chồng cũ thành “bạn thuê cùng nhà”.

“Chúng tôi duy trì cuộc sống tách biệt hàng ngày. Đôi bên có sự né tránh, phần lớn giữ im lặng với nhau trừ những chuyện liên quan đến bọn trẻ”, cô nói.

 
ly hon nhung song chung nha anh 2

Một người đàn ông ăn mừng ly hôn thành công bằng cách viết lên xe rằng 'Tôi mới ly dị rồi'. Ảnh:Stephanie Ingersoll.

Khi các khách hàng đề cập đến “xây tổ”, cố vấn ly hôn Feltham cho biết điều đầu tiên cô làm là lắng nghe câu chuyện của họ xem có “dấu hiệu cảnh báo” tiềm ẩn nào không.

“Nếu không có, tôi có thể khuyên họ ‘xây tổ’. Tuy nhiên, hoạt động này không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi người”, cô chia sẻ.

Bên cạnh đó, Jack Whelan, cũng là một cố vấn làm việc cho Separation Guide, bổ sung rằng giá bất động sản tăng vọt cũng gây áp lực lên các cặp ly hôn.

Lệnh phong tỏa cũng khiến những lựa chọn vốn phù hợp trước dịch, chẳng hạn chuyển về sống với phụ huynh, trở nên bất tiện hơn. Tuy nhiên, “xây tổ” cũng chỉ nên duy trì như một thỏa thuận ngắn hạn, theo Whelan.

Tháng 9/2020, Lisa và chồng cũ đã tìm được nhà riêng cho mỗi người sau khi một số quy định giãn cách được nới lỏng.

“Nếu đại dịch không xuất hiện, tôi nghĩ chúng tôi sẽ dễ dàng tách rời nhau hơn vì không còn bị gò bó. Hơn nữa, Covid-19 đã cắt đứt rất nhiều sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè”, cô nói.

Giai đoạn khó khăn nhưng đúng đắn

Đối với một số cặp vợ chồng khác, lệnh phong tỏa có thể gây cản trở hoàn toàn các cuộc thảo luận về ly dị.

“Một số người muốn ly dị, nhưng họ không muốn thảo luận vấn đề đó khi cả hai vẫn đang bị nhốt trong cùng một nhà”, Marguerite Picard, một luật sư gia đình đến từ công ty Melca, cho biết.

 
 
ly hon nhung song chung nha anh 3
Các cặp ly dị không nên để con cái bị kẹt giữa những tranh cãi của đôi bên. Ảnh:Shutterstock.
 

Những gì Picard nhận thấy cũng phản ánh trong dữ liệu của Separation Guide. Trong những tháng đầu năm 2021, yêu cầu về dịch vụ tư vấn ly hôn tăng 368%.

“Những gì chúng ta chứng kiến trong đại dịch, cả năm ngoái lẫn năm nay, là việc rất nhiều người đang nghiên cứu trực tuyến và lên kế hoạch ly dị, song đều đợi hết giãn cách xã hội mới thực hiện. Năm 2020, chúng tôi cũng nhận thấy lượng đặt chỗ tư vấn tăng đột biến sau khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ”, Angela Harbinson, CEO của Separation Guide, cho biết.

Đối với những cặp ly hôn quyết định “xây tổ”, luật sư Kalpaxis gợi ý rằng họ nên trò chuyện với chuyên gia, luật sư, cố vấn viên hay nhà tâm lý học. Có một người đứng giữa hòa giải cũng khiến tình hình dịu bớt.

Ngoài ra, các cặp nên ở các phòng riêng biệt nếu có điều kiện, đồng thời thiết lập các quy tắc chung và đảm bảo đôi bên cam kết thực hiện chúng nghiêm túc.

Cả hai nên thống nhất một phương thức giao tiếp chung, không nên né tránh điều đó. Đặc biệt, không để các con kẹt giữa vụ ly dị của bố mẹ, theo luật sư Kalpaxis.

Mặc dù giai đoạn “xây tổ” gây khó khăn về mặt cảm xúc của bản thân, Lisa tin rằng đó vẫn là quyết định đúng đắn vào thời điểm đó.

“Giai đoạn ấy thật khó khăn nhưng mọi chuyện nay đã ổn. Nó cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời bạn”, cô chia sẻ.

Theo Zing