Ông Sergei Krikalev sinh ngày 27/8/1958 ở ở Leningrad, nay là St Petersburg. Ảnh: Sputnik

Câu chuyện phi hành gia nổi tiếng vô tình trở thành "công dân Liên Xô cuối cùng" cho đến nay vẫn là chủ đề hấp dẫn và gây ngạc nhiên cho những người quan tâm. 

Theo báo Nga Russia Beyond, khi Sergei Krikalev sẵn sàng lên đường bay vào không gian, rời xa Trái đất để sống trên trạm vũ trụ Mir, nhiệm vụ này đã diễn tiến đúng như những gì ông được huấn luyện.

Nhưng những biến động lịch sử ở Liên Xô đã làm thay đổi những gì quen thuộc với ông ở Trái đất - khiến sứ mệnh của ông rẽ theo một hướng khó lường và thực sự nguy hiểm. Đó là vào năm 1991, Liên Xô tan rã và Krikalev nhận tin ông chưa thể trở về nhà vì đất nước không còn tồn tại nữa.

Phi hành gia Sergei Krikalev. Ảnh: Sputnik 

Chuyện xảy ra thế nào?

Bốn tháng trước đó, Sergei Krikalev, vốn là một kỹ sư bay, khởi hành lên trạm Mir từ sân bay vũ trụ Baykonur ở Kazakhstan. Nhiệm vụ của ông dự kiến kéo dài 5 tháng, và quá trình huấn luyện không chuẩn bị cho ông ở trong không gian lâu hơn thế.   

Ảnh: TASS

Nhưng biến động chính trị đã xảy ra. "Đối với chúng tôi, mọi chuyện đến thật bất ngờ”, Krikalev hồi tưởng. "Chúng tôi không hiểu điều gì đã xảy ra. Chúng tôi đã cố hình dung chuyện này ảnh hưởng ra sao đến ngành công nghiệp vũ trụ”.

Và ảnh hưởng là thực sự. Phi hành gia 33 tuổi được thông báo rằng không có tiền để đưa ông trở về Trái đất. Một tháng sau đó, ông nhận được yêu cầu tiếp tục ở lại vũ trụ. Và thêm một tháng nữa, đề nghị vẫn y nguyên.

"Họ nói rằng, dù rất khó khăn cho tôi, không tốt cho sức khoẻ của tôi, nhưng đất nước giờ đây đang lâm nguy, ưu tiên hàng đầu là phải tiết kiệm tiền", tạp chí Discover dẫn lời kể của Krikalev. "Tôi tự hỏi liệu mình có sống sót nổi hay không. Tôi không dám chắc. Teo cơ, phóng xạ, nguy cơ ung thư và hệ thống miễn dịch suy giảm sau mỗi ngày. Đó là một số hệ luỵ có thể xuất phát từ việc ở ngoài không gian quá lâu".   

Thực tế, Krikalev luôn có thể chủ động rời khỏi trạm Mir vì có sẵn thiết bị phóng mang Raduga được thiết kế để phi hành gia sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng nếu không có ông, trạm Mir sẽ bị bỏ hoang. "Tôi nghĩ đến việc phải bảo vệ nơi này, công trình nghiên cứu này", viên kỹ sư tâm sự.

Nước Nga sau khi Liên Xô tan rã rơi vào tình trạng túng thiếu, nên buộc phải bán chỗ trên trạm vũ trụ để trang trải chi phí. Áo mua chỗ cho phi hành gia với giá 7 triệu USD, Nhật Bản cũng mua một chỗ với giá 12 triệu USD để đưa phóng viên truyền hình lên vũ trụ.

Theo tờ báo Nga Russia Beyond, thời điểm đó thậm chí đã có một cuộc bàn tính bán gấp trạm Mir khi cơ sở này vẫn còn hoạt động. Điều đó có nghĩa là các phi hành gia khác đã trở về Trái đất, chỉ còn Krikalev ở lại.

Bó buộc trong không gian, xa nhà, phi hành gia yêu cầu mang cho anh mật ong để vực dậy tinh thần, nhưng những gì anh nhận được là chanh và cải ngựa.  

Hành trình trở về 

Krikalev cuối cùng cũng được quay về Trái đất vào ngày 25/3/1992, sau khi Đức trả 24 triệu USD để đưa kỹ sư Klaus-Dietrich Flade của nước này lên trạm Mir.

Ảnh: Discovery Magazine

Lúc hạ cánh, một người đàn ông với 4 chữ cái USSR (Liên Xô) và lá cờ đỏ của Liên Xô trên bộ đồ phi hành gia bước ra từ tàu Soyuz.

Một bài báo mô tả bộ dạng của ông khi ấy "như một tảng bột nhào" và có tới bốn người phải giúp ông đứng lên, hỗ trợ ông khi ông đặt chân xuống mặt đất. Ngay sau đó, cả thế giới biết đến "nạn nhân của vũ trụ".

Thời gian Krikalev ở trên trạm vũ trụ kéo dài gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Ông phải dành 311 ngày, tức 10 tháng bên ngoài không gian, và vô tình lập kỉ lục thế giới về việc này. Ông đã quay xung quanh Trái Đất tổng cộng 5.000 lần.

Trong khi đó, mọi thứ dưới mặt đất đã thay đổi. Khoản tiền lương 600 Ruble mỗi tháng vốn là cao ngất ở thời điểm ông bắt đầu nhiệm vụ đã bị mất giá thảm khi ông quay về, chỉ bằng một nửa thu nhập của một tài xế xe buýt.

Khi Krikalev đang lơ lửng trong không gian, vùng ngoại ô Arkalykh, thành phố nơi ông đáp xuống đã trở thành một phần của Cộng hoà Kazakhstan độc lập. Nơi ông sinh sống không còn được gọi là Leningrad, mà đã chuyển thành St. Petersburg.

Russia Beyond cho biết, trong một cuộc họp báo ít ngày sau đó, "công dân cuối cùng của Liên Xô" bày tỏ: "Tôi đã sống trên lãnh thổ nước Nga khi các nước cộng hòa khác còn nằm trong Liên bang Xô viết. Giờ đây tôi phải trở về Nga, một phần trong Cộng đồng các quốc gia Độc lập".

Sau này, Sergei Krikalev là phi hành gia Nga đầu tiên bay trên tàu con thoi của NASA. Ảnh: Global Look Press

Sergei Krikalev được tôn vinh là Anh hùng của nước Nga. Hai năm sau đó, ông lại nhận một nhiệm vụ khác trên vũ trụ và trở thành nhà du hành người Nga đầu tiên bay trên tàu con thoi của NASA.

Sau 2 năm nữa, ông là người đầu tiên lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Theo vietnamnet