Các tình nguyện viên phân phát thực phẩm của tổ chức Second Harvest Food Bank of Central Florida tại Nhà thờ Cơ đốc giáo Carter Tabernacle vào ngày 8 tháng 8 năm 2020 ở Orlando, Florida.

 

Cô Lauren Bell, 23 tuổi, một người mẹ đơn thân đến từ Lake Worth, Florida phải mất việc lương cao vì đại dịch COVID-19, trước đó cô chưa từng nghĩ mình phải sống trong hoàn cảnh như thế này.

Cửa hàng tạp hóa đồng giá 1 đô la là nơi duy nhất bà mẹ hai con có thể mua sắm. Vào lúc tồi tệ, cô không còn một xu dính túi, đến mức không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn cắp đồ. Bell chia sẻ rằng "Đã nhiều lần tôi phải ăn trộm thức ăn dù biết điều đó là không tốt, tôi chỉ muốn đảm bảo rằng con tôi có thức ăn. Đôi khi tôi không thể làm gì khác được".

Và đó cũng là thực trạng chung của hàng triệu gia đình có trẻ em trên khắp Mỹ trong đại dịch COVID-19 này.

Hiện tại, cứ ba gia đình có trẻ em ở Mỹ thì có một gia đình đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực. Theo một phân tích mới từ Dự án Hamilton, một sáng kiến chính sách kinh tế đưa ra các đề xuất và lựa chọn chính sách, con số này gấp đôi tỷ lệ năm 2018. Nó còn cao hơn mức độ thiếu thực phẩm cho trẻ em vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái 2007 – 2009.

"Mất an ninh lương thực có nghĩa là các gia đình không có đủ lương thực để đáp ứng cho các bữa ăn đa dạng và lành mạnh, nhưng quan trọng nhất là không có đủ nguồn thực phẩm để cung ứng và mua bán", Lauren Bauer, một thành viên của Dự án Hamilton nói.

"Nếu tình trạng mất an ninh lương thực luôn gia tăng khi kinh tế suy thoái, thì điều gây bất ngờ cho lần này là nó ảnh hưởng đến các gia đình có trẻ em và cả bọn trẻ em".

Trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải đối mặt với gánh nặng từ ảnh hưởng mà COVID-19 gây ra đối với tình trạng mất an ninh lương thực vì ở trường học trẻ em được nhà trường cung cấp cho hai bữa ăn mỗi ngày.

Bauer cho biết: "Những gia đình này đang gặp phải tình trạng khó khăn và Quốc hội cần có trách nhiệm lưu tâm đến họ khi xem xét các đợt hỗ trợ tiếp theo liên quan đến COVID-19".

Hỗ trợ từ các chương trình vẫn chưa đủ

Erin Bailey, một bà mẹ bốn con khác ở Florida, người mất việc làm do đại dịch và đang sống nhờ vào gian hàng nước chanh của các con và tiền quyên góp qua GoFundMe (nền tảng quyên góp tiền của Hoa Kỳ) để trang trải chi phí sinh hoạt. Bailey cho biết, chính phủ và các quan chức địa phương không làm gì nhiều để hỗ trợ các gia đình như cô.

Erin Bailey và bốn đứa con của cô

 

Chương trình Pandemic-EBT (EBT Đại dịch), hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp để có các bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá cho con cái ở trường học, kết thúc vào ngày 30 tháng 9 (trừ khi được gia hạn). Tuy nhiên, nhiều gia đình, bao cả gồm Bailey chia sẻ rằng họ cần nhiều hơn nữa để có một bữa ăn.

Bailey cho biết "Chế độ tem phiếu thực phẩm (chế độ liên bang cung cấp hỗ trợ mua thực phẩm cho người thu nhập thấp và không có thu nhập ở Mỹ) là không đủ. Chúng tôi hết sạch thức ăn quá nhanh". "Ngay cả bữa ăn mà chúng nhận được từ trường học cũng không đủ cho bọn trẻ ăn. Thường thì đó là một chiếc bánh mì với một lát thịt và pho mát, cũng có thể là một hộp nho khô. Chúng ngon, nhưng không đủ để khiến con tôi no bụng."

Nhiều trẻ em không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ

Đối với Bell, mọi nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ đều bị từ chối. Trẻ em dưới 5 tuổi không đi học không nhận được bất kỳ hỗ trợ lương thực nào từ EBT – Đại dịch, có nghĩa là con gái 8 tháng và 2 tuổi của cô không đủ tiêu chuẩn.

Bell nói "Tôi không được hỗ trợ từ chương trình EBT đại dịch vì con tôi không đi học, chỉ ở nhà trẻ. "Tôi chỉ có hỗ trợ từ WIC (chương trình hổ trợ giúp đỡ các chị em phụ nữ đang mang thai hoặc mới sanh con) và gói kích thích kinh tế. Đơn xác nhận thất nghiệp của tôi đã chờ xử lý trong nhiều tháng. Cuộc sống của chúng tôi không có gì khác ngoài căng thẳng."

Cả hai bà mẹ cho biết họ đã bỏ bữa ăn để đảm bảo rằng con luôn được no bụng. Bell, người bị sa thải khỏi công việc nhập dữ liệu, đã giảm gần 20 pound (gần 9kg) trong hai tháng qua do chế độ ăn uống thất thường.

Mì ramen, trứng, sữa và mì ống đã trở thành món ăn chính của cả gia đình. Protein như thịt bò, cá và thịt gà đã trở thành những thứ xa xỉ mà không gia đình nào có thể mua được.

Bailey nói "Tôi có cảm giác là những ông bố bà mẹ đơn thân như chúng tôi đang ở trên một con tàu chìm mà không có thuyền cứu sinh, và chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc bám chặt lấy thứ gì đó trong khi con tàu chìm xuống". "Nó khiến bạn cảm thấy vô cùng bất lực khi mọi thứ bạn đã cố gắng và mọi sự trợ giúp mà bạn cố gắng nhận được cuối cùng lại chẳng giúp được gì".

Kim Ngọc (Theo CNN)