16/8/2020
Người dân Thụy Điển vui chơi ngoài trời ở Stockholm ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS
Khi đại dịch COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, lan rộng ra toàn cầu, nhiều nước đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn dịch, bao gồm phong tỏa. Tuy nhiên, Thụy Điển đã có bước đi khác biệt, cho phép virus lây lan có kiểm soát để tạo miễn dịch cộng đồng.
30% hay 15%?
Thay vì phong tỏa diện rộng, Thụy Điển chủ yếu dựa vào các quy định giãn cách như cho phép làm việc tại nhà khi có thể, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Nước này cũng không buộc đeo khẩu trang bởi "nó không cần thiết trong cuộc sống thường ngày".
Dù vậy, Thụy Điển áp dụng một số biện pháp như cấm tụ tập trên 50 người, hạn chế tại các nhà hàng, quán bar... Chính phủ giải thích rằng chiến lược này để đi "đường dài" trong cuộc chiến chống dịch và việc áp dụng rồi gỡ bỏ các biện pháp mạnh, như đóng và mở cửa trường học có thể gây tác dụng tiêu cực.
Trả lời trên tờ Observer ngày 9-8, nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển Anders Tegnell, "kiến trúc sư" của chiến lược đối phó với COVID-19 của nước này, cho rằng số ca mắc bệnh tại nước này giảm trong thời gian qua có nghĩa là mức miễn dịch cộng đồng đã đạt đến "20%, 30% hoặc cao hơn tại một số khu vực".
"Vì sao nó lại xảy ra vào thời điểm đó và tại sao quá đột ngột như vậy, điều đó rất khó hiểu. Nhưng chúng tôi tin rằng việc tăng số người có miễn dịch trong cộng đồng phải có tác dụng nào đó", ông Tegnell nhấn mạnh. Miễn dịch cộng đồng là khi có một lượng người nhất định miễn dịch với bệnh và từ đó ngăn bệnh lây lan. Tương tự, vắcxin cũng sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cũng ủng hộ. "Chiến lược này là đúng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào nó", ông Lofven trả lời trên tờ Aftonbladet ngày 16-7.
Tuy nhiên, vẫn đề này vẫn đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới tranh cãi.
Nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển Anders Tegnell vẫn tin tưởng nước này có miễn dịch cộng đồng - Ảnh: REUTERS
Khó đạt được miễn dịch cộng đồng
Theo bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the Royal Society of Medicine ngày 11-8, chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng của Thụy Điển đã thất bại. Bài viết cũng dẫn ra cái giá mà Thụy Điển phải trả khi trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong trên tổng số dân cao nhất tại khu vực châu Âu, nhất là so với những nước láng giềng như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan.
Chưa kể, trong khi nhiều nước đã bắt đầu mở cửa trở lại sau phong tỏa, cuộc chiến của Thụy Điển vẫn tiếp tục.
Các cơ quan y tế Thụy Điển trước đó kỳ vọng 40% dân số thủ đô Stockholm sẽ có kháng thể chống virus corona chủng mới vào cuối tháng 5-2020. Tuy nhiên, nhóm tác giả bài viết trên khẳng định con số này chỉ khoảng 15%, tức tương đương với các nước khác như Anh.
Giáo sư David Goldsmith, một trong hai tác giả, cho biết đã thu thập bằng chứng tính đến tháng 6-2020 từ các nghiên cứu kháng thể từ những tổ chức nghiên cứu và cơ quan chính phủ như Bộ Y tế Thụy Điển.
Ngược lại, ông Tegnell cho rằng khó đo lường được tỉ lệ miễn dịch. "Rất khó để rút ra một ví dụ trong dân số bởi rõ ràng là mức độ miễn dịch khác biệt rất lớn giữa các nhóm tuổi khác nhau, giữa các khu vực khác nhau tại Stockholm... Đó là lý do vì sao chúng ta đo một nhóm được 4-5% và đo một nhóm khác lên đến 25%", nhà dịch tễ học Thụy Điển giải thích.
Nhiều số ý kiến cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá chiến lược nào hiệu quả hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc tạo ra miễn dịch cộng đồng khó hơn tưởng tượng rất nhiều. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng mới tạo ra được kháng thể trong giai đoạn hồi phục. Một nghiên cứu trong thời gian đầu của dịch cho rằng kháng thể này có thể biến mất sau vài tuần.
Làm sao để đạt được miễn dịch cộng đồng cũng có nhiều ý kiến khác biệt. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng cần từ 40-80% dân số mắc bệnh để tạo được miễn dịch cộng đồng. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu khẳng định chỉ cần 20% dân số mắc bệnh để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không ai muốn mình mắc bệnh. Đó là lý do vì sao không nên cố tạo ra miễn dịch cộng đồng bằng cách để mặc dịch bệnh lây lan. "Không ai muốn trở thành một phần trong cộng đồng (mắc bệnh)", giáo sư Devi Sridhar của Đại học Edinburgh, Scotland nói.
Theo tuoitre