Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIH) cho biết sẽ chấp thuận lưu hành vaccine nCoV nếu nó đạt hiệu quả 70-75%. Tuy nhiên, với mức độ miễn dịch, ngừa bệnh chưa đạt 100% của vaccine, cùng với thực tế nhiều người Mỹ nói họ sẽ không tiêm vaccine dù nó hoàn thiện, khả năng Mỹ sẽ khó đạt được mức độ miễn dịch đủ để dập tắt sự bùng phát.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, ba loại vaccine nCoV dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong ba tháng tới. "Thành quả vaccine cao nhất chúng tôi từng đạt được là vaccine phòng bệnh sởi với mức độ hiệu quả 97-98%. Sẽ rất tuyệt nếu chúng tôi có thể làm được điều tương tự với Covid-19, nhưng tôi e là không. Tôi sẽ chấp thuận nếu vaccine đạt mức độ hiệu quả ở 70-75%", Fauci nói.
Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng trước cho thấy khoảng 30% người Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm vaccine Covid-19, ngay cả khi nó được đưa vào sử dụng rộng rãi, có sẵn và phân phối với chi phí thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn khác ngày 26/6, CNN đã đặt câu hỏi cho Tiến sĩ Anthony Fauci về việc với một loại vaccine có hiệu quả phòng ngừa từ 70% đến 75%, liệu rằng có đủ hình thành miễn dịch cộng đồng chỉ với hơn 60% dân số hay không. Câu trả lời nhận được từ Fauci là "hầu như không thể".
Miễn dịch cộng đồng là khi tỷ lệ dân số miễn dịch với bệnh truyền nhiễm đủ và đạt mức quy định, thông qua việc họ từng mắc bệnh trước đó hoặc đã tiêm vaccine. Từ đó, giảm và dần dập tắt khả năng lây nhiễm bệnh từ người sang người.
Tiến sĩ Fauci lưu ý rằng hiện tại xã hội vẫn tồn tại một nhóm những người phản đối khoa học, từ chối tiêm vaccine tại Mỹ. Tỷ lệ người nhóm này đang dần tăng lên và đạt mức đáng báo động. Với sức mạnh của phong trào chống vaccine, Fauci cho biết nhóm các nhà nghiên cứu sẽ phải làm việc cật lực hơn rất nhiều để thông tin mọi người về những tác dụng, hiệu quả mà vaccine mang lại.
"Việc thuyết phục nhóm người chống đối này sẽ không dễ dàng. Chính phủ đã có chương trình giáo dục về công dụng của vaccine để chống lại những thông điệp đối nghịch. Chúng tôi sắp triển khai ngay một chương trình và mở rộng nó để tiếp cận cộng đồng. Họ có thể không thích một người làm việc cho chính phủ, tôi chia sẻ với họ về những vấn đề trên, tuy nhiên tôi vẫn sẽ tiếp tục làm điều đó. Họ thực sự cần thấy những người mà họ cảm thấy quen thuộc, có sự liên kết và đồng cảm trong cộng đồng, chẳng hạn như những nhân vật thể thao, anh hùng trong cộng đồng, những người mà họ có thể tin tưởng", vị Tiến sĩ cho biết.
Fauci đã chỉ ra một số nơi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, khiến tỷ lệ người nhiễm có dấu hiệu giảm sút, chẳng hạn như New York. Chính quyền nơi đây đã làm tốt bổn phận của mình. Song, ông cũng từ chối tiết lộ những điểm nóng với số ca nhiễm đang tăng nhanh trở lại và nhận định việc nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép tụ tập không cần đeo khẩu trang là nguy cơ dẫn đến "thảm họa" bùng phát dịch lần nữa.
Fauci thấu hiểu nhiều người mong muốn được gặp lại bạn bè, người thân và tụ tập sau một tháng ròng cách ly tại nhà, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn còn đó. "Bạn có thể bị lây bệnh và đó là tiền đề cho những hệ quả tiếp theo, chẳng hạn như việc bạn lây bệnh cho những người gặp bạn, và họ sẽ tiếp tục lây cho những người khác... và sẽ nguy hiểm hơn nếu người bị lây là người thuộc nhóm dễ tổn thương. Người đó có thể là ông, bà, cô chú hay thậm chí là một đứa trẻ mắc bệnh bạch cầu đã bị ức chế miễn dịch... tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ cao dẫn đến cái kết tồi tệ", Fauci cảnh báo.
Cho đến khi có vaccine, "chìa khóa" hiệu quả giúp kiểm soát bệnh là truy lùng dấu vết, cố gắng ngăn chặn dịch bệnh bằng việc cách ly người nhiễm bệnh. Đội ngũ y tế tìm hiểu xem họ đã tiếp xúc với những ai trong thời gian nhiễm bệnh và cách ly luôn những người đó.
Tuy nhiên Fauci lại nhận định rằng Mỹ thực hiện "chưa đủ tốt" việc truy lùng dấu vết người nhiễm Covid-19. Ông cho biết hầu như việc tra hỏi đều được thực hiện qua điện thoại. Và tỷ lệ người nhận cuộc gọi, sẵn sàng chia sẻ thông tin với chính quyền hoặc người trong tổ y tế chỉ khoảng 50%. Tiến sĩ cho rằng đội ngũ y tế nên chủ động đến tận nơi và tìm những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, thay vì chỉ ngồi yên và gọi điện thoại để xác nhận thông tin.
Mặt khác, Anthony Faucy cũng nói thêm rằng việc theo dõi liên lạc, truy lùng dấu vết phần nào bị cản trở. Lý do bắt nguồn từ việc rất nhiều người nhiễm Covid-19 hầu như không có triệu chứng. Bởi vì họ không biết mình đã nhiễm bệnh nên việc lần theo các mối liên hệ khá khó khăn.
"Tại những khu vực nơi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, 20-40% những người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng. Chính điều đó khiến virus ngày càng dễ lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, mô hình cổ điển tiêu chuẩn về nhận dạng, cách ly, theo dõi liên lạc khó có thể nào hoạt động hiệu quả cho dù bạn có giỏi đến đâu, bởi chính bạn cũng không biết rõ đang truy tìm những ai", Fauci kết luận.
Theo vnexpress