leftcenterrightdel
 Việt Nam sẽ mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 15-3 - Ảnh: LÂM THIÊN

Từ ngày 15-2, các hạn chế về bay quốc tế đã được gỡ bỏ hoàn toàn và dự kiến từ ngày 15-3 tới sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.

Nhìn vào quá trình và kết quả mở cửa quốc tế đầy khó khăn của Thái Lan, Singapore và một số nước trong khu vực, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hàng không, du lịch nước ta cần làm tốt một số việc để việc mở cửa quốc tế của Việt Nam thành công, mang lại những cơ hội phục hồi kinh tế quý báu sau 2 năm khó khăn chồng chất khó khăn.

Điều quan trọng đầu tiên là cần mở rộng cửa vào Việt Nam bằng việc phục hồi hoàn toàn chính sách visa du lịch có trước đại dịch COVID-19. 

Chính sách này bao gồm miễn visa cho du khách đến từ 24 quốc gia trong ASEAN, Đông Bắc Á và châu Âu, tiếp tục xem xét mở rộng danh sách miễn visa du lịch đến mức ngang bằng với Thái Lan (Thái Lan miễn visa cho du khách đến từ 64 quốc gia). 

Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, thủ tục xin và cấp visa online tại cửa khẩu sao cho thật dễ dàng, thuận lợi với du khách quốc tế, cũng như xem xét áp dụng hình thức visa dài hạn 5 - 10 năm tương tự như một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam. 

Đối với du lịch quốc tế, visa là chính sách có giá trị và công cụ cạnh tranh thu hút du lịch quốc tế quan trọng bậc nhất. 

Năm nay Thái Lan đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế. Chúng ta hãy mạnh dạn đạt mục tiêu đón 5 triệu du khách, từng bước thu hẹp khoảng cách với Thái Lan trong và sau đại dịch. 

Càng có mục tiêu rõ ràng, càng hình dung rõ những việc cần làm và tổ chức thực hiện các biện pháp một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu.

Tiếp theo, các sân bay quốc tế của nước ta cần khôi phục đầy đủ các hoạt động khai thác và dịch vụ cho các hãng hàng không và hành khách bay quốc tế, trong đó đại đa số là người đi du lịch. Làm sao để hành khách có được những trải nghiệm, ấn tượng tốt ngay từ khi họ đặt chân đến nước ta sau 2 năm đóng cửa. 

Sau Tết âm lịch, tại một số sân bay lớn, một số lái xe taxi, xe hợp đồng, xe ôm đã lợi dụng tình trạng cầu vượt quá cung để "chặt chém" hành khách với mức giá cao gấp nhiều lần giá cước vận chuyển quy định, gây thiệt hại, bức xúc cho hành khách. 

Điều này cần phải chấm dứt và không tái diễn khi mở cửa du lịch quốc tế thời gian tới. Tuyệt đối không nên để những hiện tượng tiêu cực, trục lợi tương tự xảy ra đối với du khách nước ngoài khi nước ta mở cửa quốc tế.

Cuối cùng là chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú du lịch, các đơn vị lữ hành, các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách nước ngoài. 

Một thực tế mà ngành du lịch nước ta đang đối mặt là rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã mất nhiều lao động sau 2 năm đóng cửa, cơ sở vật chất bị xuống cấp, các tiêu chuẩn, quy trình, trang thiết bị phục vụ lâu ngày chưa có điều kiện sử dụng. 

Những khó khăn này cần được các doanh nghiệp du lịch khẩn trương khắc phục để mở cửa du lịch quốc tế với chất lượng tốt ngay từ những ngày đầu mở lại.

Theo tuoitre