Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước hết là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ). Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Đặc biệt, ngày 16/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về phòng chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh. Theo đó, tất cả các trường hợp nhập cảnh Việt Nam sẽ không phải cách ly tập trung. Thông tin khiến nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, các đối tác quốc tế... rất mừng vì sắp tới nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không phải cách ly tập trung nữa.

Mở lại đường bay Quốc tế: Mong về nước ăn Tết nhưng lo ngại giá vé cao - Ảnh 1.

Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022. Ảnh minh hoạ: VNA

Thế nhưng, hiện tại, giá vé máy bay chặng quốc tế vẫn chưa được công bố. Và đó vẫn là "rào cản" lớn cho việc hồi hương dịp xuân này của nhiều người con xa xứ.

Chị Minh Anh, một Việt Kiều đang sinh sống ở Canada, cho biết: "Nghe tin Việt Nam mở lại đường bay quốc tế mà "ham" lắm, nhưng giá vé vẫn cao nên tôi chưa thể về nhà ăn Tết được". Theo thông tin chị Minh Anh cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada thông báo dự kiến Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ có chuyến bay thẳng từ Vancouver về TPHCM. Thông tin này được chia sẻ rộng rãi trên các group của người Việt ở Canada. Tuy nhiên, với giá vé từ 2.700 - 3.000 USD một chiều, nhiều người Việt cho rằng giá vẫn còn quá cao.

Chị Hoàng Yến, một kỹ sư công nghệ thông tin tại bang Minnesota, Mỹ - chia sẻ, thời gian qua, với chuyến bay thuê trọn gói (bay charter) từ Mỹ về Việt Nam có giá khoảng 120 triệu đồng/vé, đắt hơn gấp gần 10 lần so với trước đại dịch nên dù rất nhớ nhà nhưng chị vẫn chưa thể về được. "Hi vọng những ngày tới, khi chuyến bay quốc tế nối lại, giá vé sẽ mềm hơn" – chị Hoàng Yến đặt nhiều hi vọng để được trở về quê nhà ở Hưng Yên.

Trong khi đó, chị Trang Phạm, một người Việt đã định cư hơn 10 năm nay tại bang California, Mỹ cho biết, gia đình chị không có kế hoạch về thăm bà con ở Việt Nam trong thời gian này vì 2 năm qua, dịch bệnh hoành hành, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn trong công việc. "Chừng nào còn Covid-19 thì đường về nhà còn… xa lắm" – chị bùi ngùi chia sẻ.

Theo quy định của Bộ Y tế, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72h, trừ trẻ em dưới 2 tuổi; khai báo y tế; cài đặt ứng dụng PC-Covid để theo dõi sức khỏe.

Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ được tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú, gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những người này xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba; nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.

Những người này phải có chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine đã được Việt Nam công nhận. Nếu là F0 khỏi bệnh, phải có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền các nước cấp.

Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine được cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày; xét nghiệm PCR hai lần vào ngày thứ 3 và thứ 7.

Người nhập cảnh dưới 18 tuổi; người từ 65 tuổi; phụ nữ có thai; người có bệnh lý nền sẽ được cách ly cùng người chăm sóc. Điều kiện là người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc là F0 khỏi bệnh. 

Hải Yến