Khi cảnh sát công bố lời khai của Robert Aaron Long, nghi phạm sát hại 8 người ở các tiệm massage tại Atlanta, bang Georgia, sự an toàn của phụ nữ gốc Á trước những hành vi bạo lực một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

Theo tiết lộ của cảnh sát, nghi phạm khai mình bị chứng "nghiện tình dục" thôi thúc tấn công, vì các tiệm massage là "sự cám dỗ" mà nghi phạm muốn loại bỏ. Nghi phạm nói vụ xả súng không xuất phát từ lý do sắc tộc. Đến nay, chưa thể khẳng định các tiệm massage có liên quan tới hoạt động mua bán tình dục hay không.

Các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền cho rằng bất kể bản án dành cho Long là gì, khó có thể loại bỏ yếu tố sắc tộc trong vụ xả súng, nếu xét tới lịch sử những định kiến gắn với người phụ nữ gốc Á, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực và tấn công tình dục, theo NBC News.

Phụ nữ gốc Á đặc biệt dễ bị tổn thương

Catherine Ceniza Choy, giáo sư nghiên cứu về chủng tộc tại Đại học Berkeley, cho rằng việc bỏ qua yếu tố sắc tộc trong vụ tấn công đồng nghĩa phủ nhận lịch sử hơn 100 năm phụ nữ gốc Á là nạn nhân của quấy rối và tấn công tình dục - điều tồn tại từ những ngày đầu tiên họ đặt chân tới Mỹ.

"Phân biệt chủng tộc và da trắng thượng đẳng đã và đang tiếp tục là một phần bi kịch trong cuộc sống của người gốc Á", bà Choy nói.

Dù tình trạng bạo lực nhắm vào phụ nữ gốc Á hầu như không trở thành tiêu điểm chú ý trên phạm vi toàn quốc, các chuyên gia cho biết các vụ tấn công không hiếm, và đại dịch Covid-19 càng khiến tình hình trở nên trầm trọng.

 
 
Nghi phạm vụ giết 8 người ở Atlanta nói các tiệm massage là "sự cám dỗ" mà nghi phạm muốn loại bỏ. Ảnh: AP.

Theo một thống kê về những vụ việc có yếu tố thù hận được Stop AAPI Hate công bố, trong 3.800 vụ tấn công người gốc Á được ghi nhận năm 2020, khoảng 68% nạn nhân là nữ giới.

Ngay cả trước đại dịch, nghiên cứu của Viện châu Á Thái Bình Dương về bạo lực dựa trên giới tính cũng cho thấy khoảng 21%-55% phụ nữ gốc Á tại Mỹ ít nhất một lần là nạn nhân của bạo lực hay quấy rối tình dục.

Sung Yeon Choimorrow, giám đốc điều hành của Diễn đàn phụ nữ Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương, cho biết khía cạnh ít khi được nhắc tới là phụ nữ gốc Á đối mặt với hình thức phân biệt giới tính rất cụ thể.

Theo bà Choimorrow, đây là điều không nên bị đánh đồng với những hình thức phân biệt mà các nhóm nữ giới khác, như phụ nữ da trắng, có thể gặp phải. "Sự phân biệt giới tính và tấn công tình dục nhắm vào chúng tôi rất khác so với những gì phụ nữ da trắng trải qua", bà Choimorrow nói.

Định kiến tai hại

Theo bà Choimorrow, nhiều vụ tấn công cũng như hành vi quấy rối tình dục xuất phát từ định kiến về phụ nữ gốc Á, như dễ phục tùng hoặc hình tượng bị tình dục hóa (hypersexualized) quá mức. Những định kiến kiểu như vậy dẫn đến nhận thức rằng phụ nữ gốc Á là đối tượng dễ bị lạm dụng bởi họ sẽ không chống trả.

Theo giáo sư Choy, từ lời khai của nghi phạm vụ sát hại 8 người ở Atlanta, có thể nhìn thấy bóng dáng của những định kiến sai lầm như vậy.

"Việc giết phụ nữ gốc Á để loại bỏ ham muốn của đàn ông nói lên lịch sử người phụ nữ châu Á bị gắn với những hình tượng chỉ có giá trị liên quan tới dục vọng và ham muốn của nam giới. Điều này thật ghê tởm và cần phải chấm dứt", bà Choy nói.

Việc hình tượng hóa phụ nữ gốc Á đặc biệt nguy hiểm, bởi khiến phụ nữ càng né tránh phản kháng, qua đó thúc đẩy thêm những định kiến xã hội sai lầm, bà Choimorrow nói.

 
 
Phụ nữ gốc Á mang trên mình những định kiến sai lệch, khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tấn công tình dục.

Một yếu tố hình thành nên môi trường độc hại mà thế hệ phụ nữ gốc Á ngày nay phải đối mặt là loại hình công việc mà thế hệ trước từng làm khi mới đặt chân đến Mỹ vào đầu thế kỷ 19.

Trong cơn sốt tìm vàng, một thế hệ người nhập cư mới đổ tới nước Mỹ, trong đó nhiều người Hoa đến làm việc ở Bờ Tây. Khi nhu cầu của những người đàn ông gốc Á đến đây với hy vọng đổi đời ngày càng tăng, các cộng đồng người gốc Á bắt đầu xuất hiện phụ nữ làm nghề mại dâm.

Vào cuối thập niên 1860, người Mỹ da trắng bắt đầu có những ấn tượng về phụ nữ gốc Á, đặc biệt là gốc Hoa. Các nhà lập pháp lúc này cũng ban hành những luật lệ đầu tiên về việc cấm hoặc hạn chế họ nhập cảnh vào Mỹ.

Bà Wu cho biết một trong những chính sách hạn chế đầu tiên là Đạo luật Page cấm phụ nữ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Luật này được ban hành để hạn chế tình trạng phụ nữ gốc Á bị cưỡng ép làm gái mại dâm hoặc vợ bé trong các gia đình.

"Tua nhanh tới thế kỷ 20. Những suy tưởng mà người Mỹ có về phụ nữ gốc Á gắn với kiểu hành vi 'dâm dục và vô đạo đức' bị khuếch đại bởi hàng loạt cuộc chiến ở châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ tham gia", bà Wu nói.

Khi quân Mỹ đồn trú lâu dài tại Philippines, Nhật Bản hay Hàn Quốc, không ít phụ nữ tham gia ngành công nghiệp tình dục hay có quan hệ tình cảm với binh sĩ Mỹ, một phần vì hoàn cảnh kinh tế.

"Trong hoàn cảnh đó, thực sự tất cả tài sản mà họ có là cơ thể", bà Wu nói.

Văn hóa đại chúng cũng làm trầm trọng thêm những nhận thức sai lệch phi nhân tính về phụ nữ gốc Á, bà Wu nói. Qua một số bộ phim, phụ nữ gốc Á bị xây dựng hình tượng "lệch lạc về tình dục", tạo ra ấn tượng nguy hiểm rằng phụ nữ gốc Á "chỉ giỏi trong một số chuyện nhất định".

Phi Nguyen, một luật sư gốc Việt tại Atlanta, cho biết việc phụ nữ gốc Á bị gắn với yếu tố tình dục đã trở thành chuyện bình thường. Tình trạng này càng tạo điều kiện cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cũng như hành vi bạo lực nhắm vào người gốc Á.

Sau những vụ bạo lực kinh hoàng nhắm vào người gốc Á, công chúng đang kêu gọi thành lập mạng lưới bảo vệ an toàn và hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân, đồng thời thuyết phục các chính trị gia lên tiếng mạnh mẽ hơn chống lại bạo lực sắc tộc, đặc biệt ở Georgia.

"Những người sống trong cộng đồng gốc Á, mà nói thẳng ra ra phụ nữ gốc Á khắp cả nước, đang phải sống trong sợ hãi, rằng họ sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp", bà Choimorrow nói.

Theo Zing