Mỗi ngày hơn 5 trẻ em Việt Nam chết đuối
Cập nhật lúc 22:43, Thứ hai, 26/07/2021 (GMT+7)
Trước con số thống kê đau lòng đó, Chính phủ Việt Nam và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra những giải pháp khẩn cấp để giảm thiểu tai nạn do đuối nước.
Dạy kỹ năng bơi an toàn cho trẻ em không chỉ là dạy bơi mà còn dạy trẻ nhận biết dòng xoáy nguy hiểm, chỉ bơi khi có người lớn ở bên và xử trí khi gặp nạn - Ảnh: NAM TRẦN
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về phòng chống tai nạn đuối nước và chỉ định ngày 25-7 hằng năm là Ngày thế giới phòng chống đuối nước. Ngày 25-7-2021 là lần đầu tiên trong lịch sử gần 80 quốc gia hưởng ứng sự kiện trên.
Theo đó, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển các công cụ và công nghệ sáng tạo nhằm phòng chống đuối nước. Những bài học về an toàn dưới nước, bơi lội và sơ cấp cứu sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học trên thế giới.
Tại Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giảm 10% trẻ em chết đuối năm 2025 và vào năm 2030 là 20%.
Chương trình gồm nhiều giải pháp để kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước. Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), cả nước có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi chết đuối mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 (giảm khoảng 100 sinh mạng mỗi năm). Tuy vậy, trung bình vẫn có trên 5 trẻ chết đuối mỗi ngày ở Việt Nam.
Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ em. Đầu tiên, nguồn nước, mặt nước, công trình không được cảnh báo, cảnh giới, rào chắn hay những vật chứa nước không có nắp đậy.
Hai là, người lớn thiếu giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ nguy cơ đuối nước. Ba là, nhiều trẻ chưa được học bơi an toàn hay phòng tránh đuối nước, việc này được ví như chưa được "tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh".
Do vậy, cần rà soát nơi ở để khắc phục, loại bỏ ngay nguy cơ gây chết đuối như dựng hàng rào xung quanh ao, hố nước và đậy nắp giếng nước, bể nước…, xây miệng giếng cao, tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ, tập huấn cứu hộ và cấp cứu cho người dân, tăng cường năng lực quản lý rủi ro lũ...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mô hình khóa học kỹ năng an toàn khoảng 30$ (khoảng 700.000 đồng) sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương hoặc mô hình bể bơi di động…
Theo tuoitre