|
|
Rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa gây tác hại khủng khiếp đến sức khỏe con người. Ảnh: Hương Giang |
Chỉ 10% rác thải nhựa được tái chế
Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng thư ký Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khoẻ (PHA) cho biết, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, Bộ Tài nguyên Môi trường năm 2019, cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị là 35,6 nghìn tấn/ngày; ở nông thôn, con số này là 28,3 nghìn tấn/ngày.
“Tỉ lệ rác thải nhựa ước tính chiếm 10% thì khoảng trên 60 nghìn tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi ngày. Đây là một con số thống kê chưa đầy đủ, nhưng đã thật khủng khiếp”- ông Vinh nói.
Nghiên cứu của Trường đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2020 chỉ ra rằng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Chỉ 10% trong số đó được tái chế sử dụng.
Theo công bố của The Wall Stress Journal từ thống kê số liệu tại một số nước năm 2010, trong số các quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất, Việt Nam thuộc top 4 với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đổ ra môi trường nước mỗi năm.
Trong số 20 quốc gia được nghiên cứu, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Rác thải nhựa chiếm 50 - 80% lượng rác thải biển tại Việt Nam.
|
|
Ông Nguyễn Đức Vinh. Ảnh: PV |
Chúng ta nuốt nhựa vào cơ thể hàng ngày
Theo ông Vinh, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ô nhiễm nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Hóa chất phụ gia trong nhựa như BPA, Phthalates, PVC… gây ra rối loạn hoóc môn, ảnh hưởng đến hệ sinh dục, hệ thần kinh; dẫn đến ung thư, dậy thì sớm và béo phì (theo nghiên cứu của Đại học Columbia, Mỹ).
Ô nhiễm hạt vi nhựa, gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở phổi và gan, đặc biệt là những hạt mịn, có thể đi qua màng tế bào, hàng rào máu não và nhau thai.
Rác thải nhựa cũng là nơi cư trú của những vi sinh vật gây bệnh ở người như vi khuẩn Ecoli, Bacillus cereus… Rác thải nhựa là vật chứa lý tưởng cho những vector truyền các bệnh Zika, sốt xuất huyết Dengue…
Hạt vi nhựa được tìm thấy ở khắp nơi: trong đại dương, muối biển, cá, vi sinh vật biển, nước máy, bang ở Nam Cực và đáng quan ngại nhất là ở trong cơ thể người. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra 90% muối ăn trên thế giới nhiễm hạt vi nhựa.
Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc. Cá, chim, hàu và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hang nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích tụ lại trong cơ thể thực vật, động vật.
Trong nước máy, ở Mỹ, người ta ước tính có tới 95% mẫu nước uống có nhiễm vi nhựa. Nghiên cứu ở Úc phát hiện ra các sợi nhựa và hạt vi nhựa trong bang ở Nam Cực, gây ảnh hưởng đến việc tan băng- vấn đề đang quan ngại trên toàn thế giới.
“Các nghiên cứu chỉ ra trung bình mỗi người nuốt phải 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương với khoảng 250 gam, ước tính bằng 1 chiếc thẻ tín dụng. Người Việt chúng ta cũng không ngoại lệ. Đây là một con số đáng báo động đến sức khỏe con người”- ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra rằng thực trạng hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu về ảnh hưởng của rác thải nhựa lên sức khỏe con người.
"Việc chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn, là nghiên cứu toàn diện, có hệ thống, nhằm đưa ra những bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa đến sức khỏe người Việt. Từ đó có những biện pháp và chính sách phù hợp"- ông Vinh nhấn mạnh.
Ngày 18.5, tại Hà Nội, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án và ra mắt Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”. Hội thảo giới thiệu các hoạt động mà dự án triển khai từ tháng 4.2022 đến tháng 3.2023, đồng thời ra mắt Mạng lưới cùng tên với sự tham gia của hơn 30 phóng viên nữ đang làm việc tại Hà Nội. Dự án là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận tài trợ từ của Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network – EJN).
|
Theo laodong