Các bà mẹ đưa con suy dinh dưỡng đến một phòng khám của UNICEF ở Jabal Saraj, phía bắc Kabul, Afghanistan - Ảnh: AP
Cơn đói rình rập Haboue Solange Boue, bé gái sơ sinh một tháng tuổi ở Burkina Faso đã giảm một nửa trọng lượng cơ thể từ 2,5kg trong tháng trước. Chợ búa đóng cửa do dịch, gia đình không bán được rau, người mẹ cũng quá đói, không còn gì để nuôi con.
Trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 và các hạn chế ban hành để khống chế sự lây lan của virus, đang đẩy các cộng đồng đói khát ra rìa xã hội, cắt đứt các nông trại nghèo nàn ra khỏi các chợ và cô lập các làng khỏi nguồn cung cấp thực phẩm cũng như trợ giúp y tế.
Ngoài ra, hơn 550.000 trẻ em mỗi tháng bị suy nhược, tình trạng suy dinh dưỡng biểu hiện ở chân tay gầy guộc, bụng ỏng đít beo. Chỉ trong một năm, con số này tăng thêm 6,7 triệu trường hợp so với tổng số trẻ suy dinh dưỡng năm ngoái là 47 triệu em. Suy dinh dưỡng và thấp còi có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho trẻ em về thể chất và tinh thần, biến những bi kịch cá nhân thành thảm họa của thế hệ.
Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Cục Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, “đại dịch COVID-19 sẽ tác động đến an ninh lương thực trong nhiều năm nữa, nó sẽ gây ra hiệu ứng xã hội tiêu cực”.
Một đất nước nghèo như Burkina Faso ở châu Phi có 20% trẻ nhỏ suy dinh dưỡng kinh niên. Giá thực phẩm tăng đột biến, và 12 triệu người của đất nước 20 triệu dân bị đói ăn.
Từ châu Mỹ Latinh đến Nam Á, vùng Hạ Sahara của châu Phi, nhiều gia đình đứng trước một tương lai đói ăn. Theo một báo cáo của LHQ, khoảng 128.000 trẻ em sẽ chết vì thiếu ăn trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hồi tháng Hai ước tính cứ ba người ở Venezuela thì có một người đói, lạm phát khiến tiền lương mất giá và buộc hàng triệu người phải trốn ra nước ngoài. Sau đó, bùng nổ cuộc khủng hoảng COVID-19, khiến cho người dân thực sự không biết sẽ nuôi con bằng cái gì. Ngày nay, nhiều ca nhiễm virus là con em của những người di cư đang thực hiện chuyến đi dài hồi hương Venezuela từ Peru, Ecuador hoặc Colombia, nơi gia đình họ trở nên thất nghiệp và không thể mua thức ăn trong đại dịch.
Sự gia tăng tử vong trẻ em trên toàn thế giới lần đầu tiên làm đảo ngược tiến bộ toàn cầu sau nhiều thập niên. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm mạnh trên toàn thế giới năm 1980 xuống còn 5,3 triệu vào năm 2018. Khoảng 45% ca tử vong của trẻ em ngày nay là do thiếu dinh dưỡng.
Lãnh đạo 4 cơ quan quốc tế - WHO, UNICEF, WFP và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) - đã kêu gọi huy động ngay lập tức ít nhất 2,4 tỷ USD để giải quyết nạn đói.
Nạn đói đối với trẻ em được các cơ quan LHQ ghi nhận là nghiêm trọng đối với Afghanistan, Yemen, Sudan, Burkina Faso.
Ernestine Belembongo, một người bán hàng 37 tuổi có trụ sở tại chợ Hounde (Burkina Faso), nhiều tuần nay không thể mua bán thức ăn, cô cũng không kiếm được cá hay thịt cho bữa ăn của 5 đứa con từ tháng Ba đến nay. Cô con gái 3 tuổi của Belembongo nhanh chóng sút cân, và mặc dù hầu hết các hạn chế COVID-19 đã được dỡ bỏ, nhà Belembongo vẫn chỉ có ngũ cốc nấu cháo cho các con. Cô nói: “Tôi đang lo mùa giáp hạt, nhà tôi đông con, nhưng không có tiền”.
Theo phunuonline