Segal tại nhà riêng của ở Eshhar, miền bắc Israel. Cô là người phụ nữ đã hiến một quả thận cho một cậu bé Palestine 3 tuổi ở Dải Gaza - Ảnh: AP
Cô giáo mẫu giáo Segal sống ở Eshhar, miền bắc Israel, là một phụ nữ Do Thái kiêu hãnh, cô hy vọng sự lựa chọn của mình sẽ trở thành một tấm gương về lòng hào hiệp trong một vùng đất xung đột không bao giờ ngưng nghỉ.
Segal bị thôi thúc bởi những ký ức về người ông quá cố của mình, một người sống sót sau thảm họa tàn sát người Do thái Holocaust. Ông Segal luôn nhắc nhở cô phải sống có ý nghĩa, và theo truyền thống Do Thái, không có nhiệm vụ nào cao cả hơn là cứu một mạng người.
Vì vậy, Segal đã liên hệ với một nhóm liên kết giữa người hiến tạng và người nhận và khởi động một quy trình kéo dài 9 tháng để chuyển một quả thận của mình cho người đang cần. Người đó hóa ra là một cậu bé 3 tuổi người Palestine sống ở Dải Gaza.
“Cháu không biết cô, nhưng chúng ta sẽ rất thân thiết vì thận của cô sẽ nằm trong cơ thể của cháu”, Segal viết bằng tiếng Do Thái cho cậu bé, mà gia đình yêu cầu giấu tên do nhạy cảm vì hợp tác với người Israel. Một người bạn đã dịch bức thư sang tiếng Ả Rập để gia đình cháu bé có thể hiểu. Lá thư có đoạn: “Cô chân thành hy vọng rằng ca phẫu thuật này sẽ thành công và cháu sẽ sống thật lâu, khỏe mạnh và có ý nghĩa”.
Ngay sau cuộc chiến kéo dài 11 ngày, “cô đã vứt bỏ sự tức giận và thất vọng, và chỉ thấy một điều - cô thấy hy vọng về hòa bình và tình yêu, và nếu có nhiều người giống như chúng ta, sẽ không có bất cứ điều gì để tranh giành”, Segal viết cho cậu bé.
Những gì diễn ra trong nhiều tháng từ khi Segal quyết định cho thận và ca cấy ghép ngày 16/6 đã gây ra những rạn nứt sâu sắc trong gia đình cô. Chồng cô và con trai cả đã ngoài 20 tuổi trong số ba người con phản đối kế hoạch này, cha cô không nói chuyện với cô.
Idit Harel Segal, người đã hiến tặng một quả thận cho một đứa trẻ Palestine ở Dải Gaza, trên tay cô là bức thư viết cho cậu bé sẽ nhận thận của cô - Ảnh: AP
Segal nhớ lại, những người thân phản đối ý định của cô, nói rằng cô đã “mạo hiểm mạng sống của mình một cách không cần thiết”. Việc gia đình mất đi ba người thân trong các cuộc tấn công của người Palestine, bao gồm cả ông bà nội, khiến mọi việc càng thêm khó khăn.
“Gia đình tôi thực sự phản đối điều đó, mọi người đều chống lại nó. Chồng tôi, em gái tôi, chồng cô ấy. Và người duy nhất ủng hộ tôi là cha tôi”, Segal nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại nhà riêng của cô Eshhar. "Họ lo sợ thay cho tôi", cô nói.
Khi biết được danh tính của cậu bé, cô đã giữ kín thông tin cho mình trong nhiều tháng.
“Tôi không nói với ai cả”, Segal nhớ lại. “Tôi tự nhủ nếu phản ứng đối với việc hiến thận quá gay gắt, thì rõ ràng việc một cậu bé người Palestine nhận được nó sẽ càng nghiệt ngã hơn”.
Israel duy trì phong tỏa chặt đối với Gaza kể từ khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas phản đối sự hiện diện của Israel, đã giành quyền kiểm soát khu vực này vào năm 2007.
Kể từ đó, những kẻ tử thù của hai bên đã gây ra bốn cuộc chiến tranh, và rất ít người Gaza được phép đi vào địa phận Israel. Với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza bị tàn phá sau nhiều năm xung đột và phong tỏa, Israel chỉ cấp giấy phép nhập cảnh cho một số ít bệnh nhân nặng cần được điều trị y tế vì lý do nhân đạo.
Matnat Chaim, một tổ chức phi chính phủ ở Jerusalem, đã điều phối cuộc trao đổi cho và ghép thận, theo Sharona Sherman, Giám đốc điều hành của tổ chức.
Trường hợp của cậu bé Gaza rất phức tạp. Để đẩy nhanh quá trình ghép tạng, cha cậu bé, người không phù hợp để cho con một quả thận, đã được bệnh viện thông báo rằng nếu anh muốn hiến thận cho một người nhận là người Israel, con trai anh sẽ “ngay lập tức đứng đầu danh sách nhận thận để ghép”.
Tổ chức Matnat Chaim cho biết, cùng ngày con trai nhận được quả thận mới, người cha đã hiến một quả thận của mình - cho một phụ nữ Israel 25 tuổi, một người mẹ có hai con.
Ở một số nước, việc “có đi có lại” không được phép vì nó đặt ra câu hỏi liệu người hiến tạng có bị ép buộc hay không. Đạo đức của việc hiến tặng nội tạng dựa trên nguyên tắc những người hiến tặng tự nguyện và không nhận lại gì.
Ở Israel, sự đóng góp (tạng) của cha cậu bé được coi là một động lực để tăng lượng người hiến tặng.
Đối với Segal, món quà gây ra xung đột trong gia đình cô đã được thực hiện vượt mức cô hy vọng. Quả thận của cô đã giúp cứu sống cậu bé, tạo ra đợt hiến tặng thứ hai và thiết lập các liên kết mới giữa các thành viên của các nhóm thù địch vĩnh viễn tại một trong những cuộc xung đột ít cơ hội giải quyết nhất trên thế giới. Segal cho biết cô đã đến thăm cậu bé vào đêm trước cuộc phẫu thuật của cậu và duy trì liên lạc với cha mẹ cậu.
Segal cho biết cô đã tôn vinh ông nội theo cách giúp cô đối phó với nỗi đau về cái chết của ông 5 năm trước. Cô nói, việc hiến tạng là một hành động tự nguyện và cô không bao giờ dao động. Cô cho biết bây giờ chồng cô đã hiểu cô hơn, các con cô cũng vậy. Và vào đêm trước cuộc phẫu thuật của Segal, cha cô đã gọi điện cho con gái.
Theo phunuonline