Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto, nay thuộc tập đoàn Bayer - AFP

Tòa phúc thẩm tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) hôm 9.8 quyết định giữ nguyên phán quyết sơ thẩm hồi năm 2019, buộc Bayer phải bồi thường cho nguyên đơn bị ung thư vì dùng thuốc diệt cỏ Roundup.

Bayer là tập đoàn dược phẩm và hóa chất của Đức, mua lại tập đoàn Monsanto (Mỹ) hồi năm 2018 với giá 63 tỉ USD. Monsanto là một trong những nhà cung cấp chất độc da cam chính cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Theo AFP, cặp đôi người Mỹ Alva và Alberta Pilliod đã khởi kiện Monsanto vì thuốc diệt cỏ Roundup khiến họ bị u lympho không Hodgkin, một dạng ung thư hệ bạch huyết. Trong phán quyết mới nhất, tòa phúc thẩm cho rằng Monsanto đã miễn cưỡng thông báo cho người dân về độ nguy hiểm của loại chất có thể gây ung thư của một sản phẩm được công ty bán rộng rãi khắp nơi.

“Monsanto biết rằng các nghiên cứu ủng hộ tính an toàn của Roundup đã trở nên vô hiệu lực trước khi nhà Pilliod bắt đầu phun thuốc Roundup trên vườn của họ, không đeo bao tay hay thiết bị bảo hộ, do bị xúi giục từ các quảng cáo trên truyền hình”, tòa án tuyên bố.

Tập đoàn Bayer đã dành ra hơn 15 tỉ USD để xử lý các vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ - REUTERS

Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế thế giới xếp loại chất glyphosate, thành phần chính trong thuốc Roundup, là chất có khả năng gây ung thư. Trong khi đó, Bayer nhấn mạnh rằng các nghiên cứu khoa học và những quyết định cấp phép của cơ quan chức năng cho thấy glyphosate là chất an toàn.

Tuy thua kiện nhưng số tiền mà Bayer phải bồi thường được giảm từ 2 tỉ USD xuống còn 86,7 triệu USD. Bayer tuyên bố không đồng tình với bản án và sẽ cân nhắc các lựa chọn pháp lý.

Luật sư Brent Wisner của nguyên đơn hoan nghênh phán quyết, nói rằng Monsanto đã bị thua tất cả các đơn kháng kiện và kêu gọi cấm sản xuất thuốc diệt cỏ Roundup.

Đây là vụ thua kiện mới nhất của Bayer từ khi tập đoàn này mua lại Monsanto. Hồi tháng 5, một tòa án tại San Francisco cũng giữ nguyên phán quyết buộc Bayer phải bồi thường cho công dân Edwin Hardeman tại California 25 triệu USD trong vụ kiện tương tự. Tập đoàn này tuyên bố sẽ kháng án lên Tòa án tối cao Mỹ trong tháng 8.

Theo AFP, Bayer đã dành ra một khoản quỹ hơn 15 tỉ USD để giải quyết hàng ngàn đơn kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ. Hồi tháng 2, Bayer thông báo đã dàn xếp khoảng 90.000 vụ kiện.

Theo thanhnien