leftcenterrightdel
Các nạn nhân lũ lụt xếp hàng bên ngoài một ngân hàng để nhận cứu trợ ở tỉnh Sindh. Ảnh: AFP. 

Pakistan đang hứng chịu đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong ít nhất một thập kỷ. Theo ước tính của chính phủ, đợt lũ hiện tại thậm chí lớn hơn thảm họa năm 2010, đã ảnh hưởng đến 20 triệu người và giết chết gần 2.000 người.

Đợt mưa lũ tàn khốc bất thường

Mưa lớn ở Pakistan thường chỉ bắt đầu vào tháng 7, nhưng năm nay, trời bắt đầu mưa nhiều vào giữa tháng 6, với lượng mưa như trút nước. Gần 300 người đã chết từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7.

Lượng mưa bình thường ở Pakistan trong 3 tháng từ ngày 1/7 đến ngày 30/9 là 140,9 mm, theo Cục Khí tượng Pakistan (PMD). Năm 2021, lượng mưa tại Pakistan giảm 11,3% so với con số này, tức 125 mm.

leftcenterrightdel
Báo cáo lượng mưa của Pakistan từ ngày 1/7 đến ngày 26/8. Ảnh: Cục Khí tượng Pakistan. 

Năm nay, chỉ trong vòng gần 2 tháng từ 1/7 đến 26/8, quốc gia này đã ghi nhận lượng mưa lên tới 354,3 mm, PMD cho biết. Con số này cao hơn 211% so với mức bình thường là 113,7 mm trong thời kỳ này.

Dữ liệu của PMD cho thấy chỉ trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 26/8, lượng mưa chiếm tới 176,8 mm, nhiều hơn 251% so với mức bình thường là 50,4 mm trong giai đoạn này.

Khu vực phía nam của Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tháng 8, hứng lượng mưa 442,5 mm tính đến ngày 26, nhiều hơn 784% so với mức 50 mm bình thường trong cùng khoảng thời gian.

Con số ở Balochistan trong cùng giai đoạn là 129,7 mm, tăng 522% so với mức 20,9 mm bình thường.

“Các thành phố của chúng tôi không được thiết kế cho những trận mưa trút nước liên tục như vậy”, Sherry Rehman, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của Pakistan, viết trên Twitter.

Trong một bài đăng, bà chia sẻ video cho thấy nước lũ tràn qua cầu Madyan ở Khyber Pakhtunkhwa. Bà cho biết cây cầu được xây dựng cao hơn 5 m so với chiều cao chiếc cầu đã bị chìm trong trận siêu lũ năm 2010.

“Pakistan đang trải qua một đợt mưa lũ chưa từng có và dữ liệu cho thấy khả năng tái xuất hiện một đợt khác vào tháng 9”, bộ trưởng nói trong một cuộc họp báo ở Islamabad.

leftcenterrightdel
Hơn một nửa diện tích Pakistan (màu cam) đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Đồ họa: Guardian. 

Pakistan thiệt hại ra sao từ đợt lũ này?

Bộ trưởng Rehman đã chia sẻ dữ liệu cập nhật từ Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, cho biết 33 triệu người - gần 15% dân số Pakistan - đã bị ảnh hưởng và 1.041 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt cho đến ngày 27/8.

Ít nhất 1.456 người bị thương từ giữa tháng 6.

Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia ngày 28/8 cho biết 119 người đã chết chỉ trong ngày 27/8.

Cùng ngày, báo Pakistan Dawn đưa tin rằng "hơn một nửa diện tích Pakistan chìm trong nước và hàng triệu người bị mất nhà cửa" do mưa lũ bất thường gây ra. Tờ này cũng cho biết đợt mưa lớn hiện tại - đợt thứ 8 trong năm - vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Thông thường, Pakistan chỉ chứng kiến khoảng 3-4 đợt mưa lũ mỗi năm.

Nhiều khu vực của Pakistan bị mất kết nối với các khu vực khác, trong khi lực lượng cứu hộ đang phải vật lộn để sơ tán hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Các tỉnh Balochistan và Sindh là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

leftcenterrightdel
Một con đường bị nước lũ phá hủy ở thung lũng Swat, phía bắc Pakistan vào ngày 27/8. Ảnh: AFP. 

Truyền thông địa phương đưa tin vào cuối ngày 27/8 rằng đập Kach gần thành phố Ziarat đã bị vỡ do lũ lớn. Các đập khác trong khu vực cũng bị hư hại.

Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cầu, đường và khách sạn chìm trong nước.

Một quan chức ở Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, hôm 26/8 cho biết các con đường trải dài hơn 130 km đã bị hư hại và 15 cây cầu bị phá hủy hoàn toàn, trong khi hơn 100 ngôi nhà và ít nhất 50 khách sạn, nhà hàng cũng bị đổ vỡ, Guardian đưa tin.

Chính phủ đã làm gì?

 Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với lũ lụt, cùng với việc cầu cứu viện trợ từ quốc tế.

Salman Sufi, quan chức Bộ Nội vụ Pakistan, cho biết Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng nhiều nước khác đã hỗ trợ, song nước này cần nhiều nguồn tài trợ hơn xét trên thiệt hại hiện nay.

Lũ lụt đã làm tăng thêm tình trạng kiệt quệ tài chính của Pakistan. Hội đồng quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến thông qua gói hỗ trợ 1,2 tỷ USD vào ngày 29/8 để tăng cường dự trữ ngoại tệ đang ngày càng cạn kiệt của đất nước, theo Financial Times.

leftcenterrightdel
Nạn nhân lũ lụt nhận thức ăn cứu trợ ở Charsadda, ngày 27/8. Ảnh: Reuters. 

Lạm phát cũng đã tăng vọt. Giá của hàng hóa “nhạy cảm” như thực phẩm và mặt hàng thiết yếu khác vào tuần trước tăng lên 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ cho biết họ đang chuẩn bị kêu gọi Liên Hợp Quốc viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các khu vực bị lũ lụt ảnh hưởng. Thủ tướng Shehbaz Sharif đã gặp các nhà ngoại giao nước ngoài hôm 26/8 để thúc đẩy thêm viện trợ quốc tế.

“Đợt mưa lũ hiện tại đang tàn phá khắp đất nước”, ông nói.

Thảm họa này có phải là kết quả của biến đổi khí hậu?

Các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới được coi là kết quả của biến đổi khí hậu. Châu Âu hiện phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm, với những ngày ghi nhận nhiệt độ kỷ lục, và các trận cháy rừng lớn. Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều khu vực của Mỹ cũng đang trải qua hạn hán.

leftcenterrightdel
Người dân mất nhà phải dựng lều trên đường cao tốc để trú mưa ở Sukkur, tỉnh Sindh, ngày 27/8. Ảnh: AFP. 

“Pakistan đang trải qua một thảm họa khí hậu nghiêm trọng, một trong những thảm họa khó khăn nhất trong thập kỷ. Hiện tại, chúng ta đang ở ‘ground zero’, chiến tuyến của một sự kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đợt dòng sóng nhiệt ào ạt, cháy rừng, lũ quét, vỡ đập, lụt lội, và bây giờ là đợt mưa lũ ‘quái vật’ của thập kỷ đang không ngừng tàn phá khắp đất nước”, bà Rehman nhấn mạnh.

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, Pakistan liên tục được xếp hạng trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia châu Á có nguy cơ cao nhất là Bangladesh, Myanmar và Philippines.

Pakistan ước tính đã mất 10.000 người và thiệt hại 4 tỷ USD do các thảm họa liên quan đến khí hậu từ năm 1998 đến năm 2018.

Theo zingnews