Sức bật vượt qua định kiến

Vận động viên Simone Biles (Mỹ) tập luyện vào ngày 25/7 - Nguồn ảnh: Naomi Baker/Getty Image
Vận động viên Simone Biles (Mỹ) tập luyện vào ngày 25/7 - Nguồn ảnh: Naomi Baker/Getty Image

 

Việc Simone Biles - hiện là vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ đạt được nhiều huy chương Olympic nhất mọi thời đại - rút lui khỏi một số sự kiện tại Thế vận hội Tokyo 2020 với lý do lo ngại về sức khỏe tâm thần đã làm dấy lên cuộc trò chuyện toàn cầu về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và nhu cầu ưu tiên sức khỏe bản thân của các VĐV. Nữ VĐV người Mỹ sinh năm 1997 phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ quyết định trên.

Trở lại tranh tài tại Thế vận hội Paris 2024, Biles tiếp tục đứng trước sự chỉ trích. Một số người nghi ngờ về trạng thái tinh thần hoặc cam kết của cô đối với bộ môn thể dục dụng cụ. Những người khác cho rằng cô tạo gương xấu cho các VĐV trẻ. Cô thậm chí bị chỉ trích một cách bất công về mái tóc của mình.

Trên mạng xã hội, Biles thẳng thắn đáp trả những bình luận tiêu cực: "Lần sau, nếu bạn muốn bình luận về mái tóc của một cô gái da màu, đừng làm thế!". Quyết định rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo của Biles là một hành động dũng cảm. Nó cho thấy cô đủ mạnh mẽ để đặt sức khỏe tinh thần của bản thân lên hàng đầu, khi cả thế giới đang theo dõi. Câu chuyện của cô là lời nhắc nhở rằng sức khỏe tinh thần rất quan trọng và việc tìm kiếm sự giúp đỡ là hoàn toàn bình thường.

Khi Simone Biles giành huy chương Vàng Olympic thứ bảy trong sự nghiệp vào ngày 3/8 ở trận chung kết nội dung nhảy ngựa nữ, thế giới hiểu rằng ngay cả ở tuổi 27, cô vẫn ở một đẳng cấp riêng. Biles tỏ ra e dè khi được hỏi liệu sự kiện này có phải là lần cuối cùng cô bùng nổ tại đấu trường Olympic. Trong khi cô thừa nhận rằng có thể chính thức từ bỏ cú nhảy ngựa 2 bước Yurchenko nổi tiếng của mình vì "Tôi đã thực hiện thành công cú nhảy đó" tại Thế vận hội Paris, cô không loại trừ khả năng quay trở lại Thế vận hội tiếp theo tại Los Angeles, Mỹ vào năm 2028.

Biles thổ lộ: "Đừng bao giờ nói không bao giờ. Thế vận hội tiếp theo sẽ diễn ra trên sân nhà. Vì vậy, bạn không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra, ngay cả khi tôi cảm thấy mình bắt đầu già đi rất nhanh". Biles và chồng cô - Jonathan Owens - thành viên đội bóng bầu dục Chicago Bears - được cho là có những kế hoạch gia đình lớn sau Thế vận hội Paris 2024. Trong một phiên hỏi đáp đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của Biles, cô chia sẻ: "Vâng, chúng tôi muốn có con". Owens cho biết mục tiêu chính của anh tại thời điểm này là hỗ trợ vợ hết mình.

Đem về tấm huy chương vàng và … nhẫn kim cương

VĐV cầu lông Trung Quốc Huang Ya Qiong bất ngờ nhận được gấp đôi niềm vui vào ngày 2/8 tại kinh đô của ánh sáng và tình yêu - Paris (Pháp). Huang và đồng đội Zheng Siwei đánh bại cặp đôi Kim Won-ho và Jeong Na-eun của Hàn Quốc ở nội dung chung kết đôi nam nữ, khép lại chuỗi trận bất bại tại Paris.

Đeo trên cổ tấm huy chương Vàng, vận động viên cầu lông Trung Quốc Huang Ya Qiong đã nhận lời cầu hôn từ Liu Yuchen - một thành viên khác của đội cầu lông Trung Quốc - Nguồn ảnh: AP
Đeo trên cổ tấm huy chương Vàng, vận động viên cầu lông Trung Quốc Huang Ya Qiong đã nhận lời cầu hôn từ Liu Yuchen - một thành viên khác của đội cầu lông Trung Quốc - Nguồn ảnh: AP

 

Khi cô vừa bước xuống bục vinh quang thì một đồng đội khác của cô - Liu Yuchen - đã quỳ xuống và ngỏ lời cầu hôn. Với chiếc huy chương Vàng trên cổ, cô đã nói đồng ý. Huang nói với truyền thông: "Đối với tôi, lời cầu hôn này rất bất ngờ vì tôi chỉ tập trung chuẩn bị cho trận đấu. Hôm nay, tôi là nhà vô địch Olympic và tôi đã được cầu hôn. Đó là điều tôi không ngờ tới".

Cô nói thêm trong nụ cười hạnh phúc: "Chiếc nhẫn vừa vặn với ngón tay tôi lắm". Người hâm mộ đã lên mạng xã hội để bàn tán về lời cầu hôn này. Một người viết trên Weibo: "Bảng tổng sắp huy chương năm nay giờ có thể thêm cả nhẫn kim cương". Một người khác viết: "Liu Yuchen không giành được huy chương Vàng Olympic nhưng anh ấy đã giành được trái tim một VĐV sở hữu huy chương Vàng Olympic".

Sinh năm 1994, Huang Ya Qiong là VĐV cầu lông nổi tiếng người Trung Quốc chuyên đấu đôi. Cô là nhà vô địch thế giới 3 lần, 2 lần giành huy chương Vàng Đại hội thể thao châu Á và 2 lần vô địch châu Á. Ở phía nhà trai, Liu Yuchen sinh năm 1995 và cũng là một VĐV cầu lông xuất sắc. Anh là nhà vô địch thế giới đôi nam năm 2018, nhà vô địch châu Á 2 lần vào năm 2017 và 2018 và đạt huy chương Bạc tại Olympic Tokyo 2020 với đồng đội Li Junhui.

Những “Bà dì” hết mình vì đam mê

Ở tuổi 61, Ni Xia Lian đại diện cho Luxembourg ở môn bóng bàn tại Olympic Paris 2024 và thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi thi đấu với những đối thủ trẻ hơn nhiều. Vào ngày 29/7, bà đã đi vào lịch sử khi trở thành VĐV lớn tuổi nhất giành chiến thắng trong một trận đấu bóng bàn tại Olympic, đánh bại Sibel Altinkaya của Thổ Nhĩ Kỳ (31 tuổi) với tỉ số 4-2.

Tay vợt Zeng Zhiying của Chile đấu với Mariana Sahakian của Lebanon trong vòng loại đơn nữ bóng bàn tại Olympic Paris 2024 - Nguồn ảnh: AFP
Tay vợt Zeng Zhiying của Chile đấu với Mariana Sahakian của Lebanon trong vòng loại đơn nữ bóng bàn tại Olympic Paris 2024 - Nguồn ảnh: AFP

 

Hành trình của Ni là minh chứng cho niềm đam mê bền bỉ của bà đối với bộ môn bóng bàn. Sinh ra tại Thượng Hải, bà bắt đầu sự nghiệp từ khi còn nhỏ, gia nhập đội tuyển quốc gia Trung Quốc và giành huy chương Vàng ở nội dung đồng đội và đôi nam nữ tại giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1983. Dù có những thành công ban đầu, bà chưa bao giờ có cơ hội đại diện cho Trung Quốc tại Olympic, vì bóng bàn chỉ được đưa vào nội dung tranh tài từ năm 1988. Năm 1989, bà chuyển đến Đức sau khi ra khỏi đội tuyển quốc gia.

Sau đó, bà chuyển đến Luxembourg và tiếp tục thi đấu. Chồng bà, VĐV bóng bàn người Thụy Điển Tommy Danielsson, là huấn luyện viên kiêm bạn tập của vợ. Con trai họ, một bác sĩ vật lý trị liệu, cũng đóng góp rất nhiều vào truyền thống thể thao của gia đình.

Ni Xia Lian ra mắt tại Olympic Sydney 2000 ở tuổi 37 và đủ điều kiện tham dự mọi kỳ Thế vận hội kể từ đó. Được biết đến với biệt danh trìu mến là “Nữ công tước bóng bàn Luxembourg”, bà tiếp tục truyền cảm hứng bằng sự tận tụy và tinh thần lạc quan.

Tại Olympic Paris 2024, bà phải đối mặt với một thử thách thú vị: trận đấu với Sun Yingsha - tay vợt số 1 thế giới 23 tuổi đến từ Trung Quốc. Dù thua Sun trong các ván đấu trực tiếp, nữ VĐV tuổi lục tuần đã để lại dấu ấn sâu đậm. Trận đấu kết thúc với sự hoan nghênh nhiệt liệt từ đám đông và cái ôm đầy yêu thương giữa 2 thế hệ tuyển thủ. Bà Ni vẫy tay chào đám đông với đôi mắt đẫm lệ vì hạnh phúc sau trận đấu.

Bà cho biết: "Ước mơ đầu tiên của tôi là được tham dự Thế vận hội, ước mơ thứ hai là giành chiến thắng trong một trận đấu và ước mơ thứ ba là được đấu với Sun. Tôi đã hoàn thành cả 3, vì vậy tôi rất vui. Tuổi tác chỉ là một con số".

Cảnh bà thưởng thức chai Coca-Cola trong khoảng nghỉ giữa trận đấu và trao nụ hôn cho chồng cũng chiếm trọn trái tim khán giả. Một bình luận trên mạng xã hội viết: “Cô Ni trông giống như một người dì tốt bụng, tôi cảm thấy rất vui khi xem cô ấy chơi. Đây chính là mục đích thực sự của thể thao”.

Sự hiện diện bền bỉ của bà Ni trên đấu trường quốc tế đã truyền cảm hứng cho các VĐV khác, bao gồm cả đồng đội cũ của bà là Zhiying Zeng. Bà Zeng đã trở lại với môn bóng bàn sau 3 thập niên gác vợt và đại diện cho Chile tại Olympic 2024. Tuy đã thua ở vòng loại, bà cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục luyện tập và theo đuổi mơ ước tham dự Thế vận hội Los Angeles năm 2028.

Bà Zeng chia sẻ: “Tôi không cảm thấy buồn lắm vì đây là thể thao. Chồng tôi, các con tôi, tất cả những người tôi yêu thương và quan tâm đều ở đó để cổ vũ và hét lớn tên tôi. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện”.

Theo phụ nữ TPHCM