Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam (thứ 3 từ phải), Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tại chùa Thiên Đức Viên nhân chuyến thăm và làm việc với kiều bào ở TP. San Jose, tháng 9/2016. Tác giả đứng ở ngoài cùng bên trái. (Ảnh: TGCC)
Trong dư âm từ chuyến thăm Việt Nam của bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 24-26/8, chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam, tôi bồi hồi nhớ lại chuyến công tác của mình tới Mỹ cách đây vài năm.
Đó là chuyến công tác liên ngành, do Thứ trưởng Vũ Hồng Nam - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) làm trưởng đoàn, thăm làm việc với kiều bào tại Canada và Mỹ. Kết thúc chương trình làm việc tại bang Texas, đoàn công tác bay đến California. Thời tiết lúc này thật ấm áp, rực nắng Thu vàng, chỉ có chút se lạnh vào buổi sáng.
Bang California là nơi người Việt ở Mỹ tập trung đông nhất. Đặc biệt là quận Cam, cái tên đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người Việt ở sở tại, mà còn với cả người Việt ở trong nước. Những người Việt xa xứ ở đây đã xây dựng trung tâm sinh hoạt của mình “Sài Gòn nhỏ”, hay còn gọi là Little Saigon.
Sài Gòn nhỏ giữa lòng nước Mỹ
Little Saigon có ở nhiều nơi trên đất Mỹ và cả ở những nước khác, nhằm chỉ một khu vực trung tâm của người Việt ở nước ngoài. Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Little Sai Gon ở quận Cam (Orange County) ở phía Nam bang California, mà điểm nhấn là Thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa, bao gồm hai thành phố Westminster và Garden Grove (theo đơn vị hành chính Mỹ, dưới bang là quận, dưới quận là thành phố).
Thương xá Phước Lộc Thọ được xây dựng theo phong cách Á Đông, phía trước có cổng Tam quan, bên trên vượt lên có mái ngói âm dương màu xanh. Bên dưới là ba pho tượng lớn ba ông Phước Lộc Thọ bằng đá hoa cương trắng. Được biết, công trình xây dựng năm 1987 với chi phí 15 triệu USD, với 50 gian hàng lớn phân bố trên hai tầng có tổng diện tích 15.000m2. Công trình như một biểu tượng vinh danh cho văn hóa của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ.
Bước vào khu thương xá, người mua có thể tìm thấy rất nhiều mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử, tiệm mỹ viện, tiệm vàng bạc, băng đĩa nhạc, đồ chơi, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm… Ngoài ra, nơi đây còn có các cửa hàng thực phẩm, hàng khô, các tiệm phở, bánh cuốn, bánh tôm Hồ Tây, bún chả, bún mọc, bánh mỳ Việt, phở tàu bay, hủ tiếu Thanh Xuân, nem, giò, chả... Khách hàng không chỉ đến đây để mua sắm, mà còn chọn nơi này để gặp gỡ, chia sẻ công việc làm ăn với nhau bằng tiếng Việt cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Đoàn công tác liên ngành thăm và làm việc với kiều bào ở thành phố San Jose, bang California, tháng 9/2016. (Ảnh: TGCC)
Tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật của người Việt ở đây. Không khó để nhận ra Little Saigon có khá nhiều các quầy sách, văn học. Ở đây có cả những bộ "Truyện Kiều" song ngữ Việt-Anh, hay sách của các nhà văn lớn như Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư...
Đặc biệt, tại đây có những pano lớn giới thiệu tóm tắt những cuốn sách như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) hay “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh)… Bên cạnh đó là những tấm pano giới thiêu “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần), “Nhật ký Đặng Thùy Trâm", “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư)...
Ngoài văn học, hoạt động báo chí ở đây cũng diễn ra rất sôi động. Các sạp báo tiếng Việt xuất bản bán tại chỗ được bày bán cùng với cả những tờ báo phát hành trong nước như An ninh Thế giới, Tuổi trẻ, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Thời trang Trẻ... và một số đầu báo tiếng Anh.
Tất cả các chương trình hải ngoại đều được phát hành tại đây. Ở đây có hai đài phát thanh phát sóng tiếng Việt là Little Saigon Radio và Radio Bolsa; có bốn đài truyền hình phát sóng 24/24h bằng Tiếng Việt và hai đài truyền hình vệ tinh Saigon Broadcasting Television và Hồn Việt TV xem được trên toàn nước Mỹ.
Little Saigon - đặc biệt là Westminster - còn là trung tâm của ngành truyền thông giải trí của người Việt sở tại. Những chương trình đặc sắc được tổ chức tại các sân khấu nổi tiếng như Paris By Night, Vân Sơn… Có rất nhiều các ca sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, họa sỹ, nghệ sỹ hải ngoại… ngụ cư và hành nghề tại đây.
Đậm đà dấu ấn quê hương
Chúng tôi dành thời gian gần cả buổi sáng dạo quanh tuyến phố Little Saigon, gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc. Đó là những ngôi chùa Việt, mô hình chợ Bến Thành, hay những tiệm cơm, phở, phòng khám nha khoa, tiệm spa, nail, văn phòng trung tâm tài chính, văn phòng việc làm, ngân hàng... tất cả đều viết song ngữ Việt - Anh.
Anh bạn Việt kiều đi cùng chúng tôi cho biết, mỗi dịp lễ tết không khí ở đây rất nhộn nhịp, hầu như tất cả những đặc sản quê hương đều có ở đây.
Tầm gần trưa, chúng tôi quay lại khu Phước Lộc Thọ cùng thưởng thức hương vị quê hương cho bữa trưa. Phía quầy bên thấy có một số người Mỹ cùng ăn và uống cà phê. Thật tuyệt vời bởi sau những ngày xa nhà, chúng tôi được thưởng thức món phở truyền thống với nguyên liệu thịt bò Mỹ rất mềm và ngọt đậm. Được biết, có nhiều đầu bếp nổi tiếng của Sài Gòn xưa đã đến đây mở quán ăn, mang theo những công thức ẩm thực bí truyền đậm hương vị Việt.
Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ước tính có khoảng 1,5 triệu người Việt di tản sang Mỹ. Chính quyền Mỹ không muốn người Việt sống tập trung một nơi nên đã phân bổ ra khắp 50 bang trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, sống theo cộng đồng vốn là bản tính, văn hóa người Việt nên đã hình thành những “làng người Việt”, “Trung tâm người Việt”... Trong đó, phải kể đến thành phố San Jose, quận Cam, thành phố Houston… là những nơi tập trung đông nhất. Riêng quận Cam có khoảng 600.000 người Việt.
Ở Little Saigon, người Việt thạo tiếng Anh chỉ khoảng 50%. Người không biết tiếng Anh vẫn sống tốt ở đây. Quận Cam đã tổ chức đào tạo tiếng Anh và nghề nghiệp miễn phí cho tất cả người Việt. Chính quyền tạo điều kiện đón người Việt, nhưng cũng tạo ra một lực lượng hùng hậu nộp thuế suốt đời. Nghề làm móng (nails) ở Mỹ chỉ cần giao tiếp tiếng Anh cơ bản, cơ sở vật chất cũng không cần phải đầu tư nhiều, nhưng đem lại thu nhập ổn định.
Hiện nay, mức thu nhập hàng năm của người Việt ở quận Cam khoảng 50.000-60.000 USD cho lao động phổ thông và từ 70.000-250.000 USD mỗi năm cho kỹ sư, bác sỹ, trí thức khoa học…
Tác giả tại thương xá Phước Lộc Thọ. (Ảnh: TGCC)
Tôi được nghe kể rằng, từ năm 1978, thương gia Quách Nhất Danh đã đầu tư xây dựng khu thương xá Phước Lộc Thọ, ở đại lộ Bolsa, để cho thuê. Nghe nói, ông Danh đã tích lũy được gia tài khoảng 300 triệu USD, nhưng ông luôn xử thế khiêm nhường, ăn mặc giản dị và ít xuất hiện trước đám đông.
Có những lúc, Phước Lộc Thọ đã từng bị bóng đêm suy thoái bao trùm, nhiều sạp hàng phải đóng cửa hoặc treo biển chuyển nhượng. Các cửa hàng, tiệm ăn đều vắng teo… Nhưng giờ đây, Little Saigon luôn tấp nập, nhộn nhịp.
Đối với những người con xa xứ - việc thu xếp thời gian để đến đây mang một ý nghĩa đặc biệt, vơi đi nỗi nhớ quê hương. Ngoài thưởng thức các món ăn Việt, họ còn có thể mua sắm bất cứ thứ gì, từ những món đồ độc đáo của Việt Nam đến hàng của Mỹ với giá cả hợp lý.
Người mua, kẻ bán đều niềm nở, thân thiện. Không khí ở đây luôn tấp nập, nhất là vào các dịp cuối tuần, khi diễn ra các phiên chợ đêm (thứ 6, thứ 7, Chủ nhật).
Nhịp sống yên bình
Mỗi sáng, người Việt thường qua khu Phước Lộc Thọ để ăn sáng, uống cà phê, đọc sách báo, nghe nhạc, hoặc tán gẫu, đánh cờ tướng... Phía trước khu Phước Lộc Thọ còn có hẳn một dãy bàn ghế dành cho những người cao tuổi, nhà văn, nghệ sĩ ngồi uống cafe thư giãn, đàm đạo văn chương, nghệ thuật, bàn bạc thế sự…
Little Saigon có nhiều quán cafe Việt với những tên rất mỹ miều như Mộng Mơ, Dĩ Vãng, Diễm Xưa... Có nhiều bạn trẻ đến đây để la cà, tán gẫu...
Ở đây một số người Việt có tư tưởng cực đoan còn không ít, nhưng số này đang ít dần theo năm tháng, thay vào đó là những thế hệ trẻ người Việt đang hướng về quê hương.
Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt xa xứ có chính kiến khác nhau, nhưng họ chẳng thể phủ nhận, quê hương Việt Nam chỉ có một mà thôi. Và, Little Saigon có vai trò quan trọng duy trì bản sắc văn hóa Việt, giữ mối liên lạc tinh thần giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với quê hương.
Theo baoquocte