Một vụ tự tử đặt ra câu hỏi về việc anh chị em nuôi nhau ở Trung Quốc
Cập nhật lúc 02:38, Thứ hai, 12/04/2021 (GMT+7)
Việc một phụ nữ trẻ ở miền Đông Trung Quốc cố gắng tự tử sau nhiều năm chăm sóc 3 người em của mình đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về trách nhiệm pháp lý đặt lên vai anh chị em khi không có cha mẹ.
Một phụ nữ ở Trung Quốc đã tự tử vì kiệt sức khi phải vật lộn để chu cấp cho những người em của mình (phải). Sự việc tương tự với chủ đề chính trong phim Chị gái tôi - bộ phim điện ảnh đứng hàng đầu ở Trung Quốc hiện nay (trái) - Minh họa: SCMP/Tom Leung
Cô gái 20 tuổi người tỉnh Chiết Giang, được xác định tên là Liu, đã chăm sóc 2 em gái và 1 em trai, đứa lớn nhất năm nay 12 tuổi, sau khi cha mẹ họ ly hôn và từ bỏ gia đình khi Liu còn nhỏ.
Liu được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh hôm 23/3 trên một con sông sau khi cô nhảy cầu tự tử. Một người tốt bụng đã gọi cảnh sát và một viên sĩ quan tên Qiu Changming đã cùng một cảnh sát viên khác nhảy xuống dòng nước để cứu người phụ nữ trẻ.
Những người cảnh sát cứu cô Liu đến thăm cô trong bệnh viện sau vụ tự tử không thành - Ảnh: City Express
Liu được đưa đến bệnh viện với vài vết thương nhẹ. Ban đầu, Liu từ chối nói chuyện với cảnh sát về nguyên nhân tự tử, sau đó cô khóc khi 2 người bạn đến bệnh viện thăm cô, và người phụ nữ trẻ cho biết cô đã bất lực khi phải vật lộn để kiếm đủ tiền nuôi 3 đứa em của mình với công việc phụ bán hàng ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang.
Ba người em của Liu sống cùng ông bà ngoại tại thị trấn Tuyên Uy tỉnh Vân Nam, và Liu cho biết áp lực đặt lên vai cô đã trở nên quá lớn.
“Tôi đã vài lần cố gắng tự sát”, Liu nói với nữ nhân viên cảnh sát và cho xem vết sẹo trên cổ tay cô. Liu cho biết cha mẹ “đã bỏ rơi chị em tôi, nhưng tôi không thể bỏ rơi các em”, cô ám chỉ cậu em trai và 2 em gái của mình.
Các nhà điện ảnh Trung Quốc đã tung ra bộ phim Chị gái tôi với chủ đề tương tự chỉ ít ngày sau vụ tự tử bất thành của Liu - Ảnh: SCMP
Sự việc đau buồn xảy ra vào ngày 23/3 và mới được công khai hôm 30/3, sau đó 4 ngày – bộ phim điện ảnh Chị gái tôi được công chiếu và lập tức trở thành bộ phim ăn khách nhất hiện nay của Trung Quốc.
Bộ phim kể về một cô gái trẻ buộc phải nuôi em trai cô kém cô gần 20 tuổi sau khi cha mẹ họ qua đời. Bộ phim cũng đã khơi dậy một cuộc đối thoại về trách nhiệm đặt lên vai các anh chị em khi cha mẹ không thể chăm sóc gia đình của mình.
Cũng giống như trong phim, hoàn cảnh của Liu đã khiến nhiều người xúc động vì cô đã phải hy sinh tương lai của chính mình khi còn chưa đến tuổi trưởng thành.
Một người dùng mạng xã hội Weibo đặt câu hỏi: “Họ có thể cứu cô ấy lần này, nhưng lần sau thì sao? Cô ấy mới 20 tuổi. Nhiều người cùng tuổi vẫn được bố mẹ bao bọc trong khi cô ấy đã phải nuôi 3 đứa em của mình. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy tuyệt vọng khi nghĩ về tình cảnh của Liu. Làm sao họ có đủ can đảm để sống tiếp? ”
Một người khác nói: “Đối với một gia đình bình thường nuôi 3 đứa con còn khó, chứ nói gì đến một cô gái trẻ như cô ấy. Cô ấy không làm gì sai, mà chỉ là đã sinh ra sớm hơn các anh chị em khác mà thôi ”.
Trương Kinh, một luật sư của Công ty Luật Lianggao ở Bắc Kinh, nói với trang mạng Thepaper.cn rằng cha mẹ dù ly hôn vẫn phải có trách nhiệm pháp lý nuôi dạy con cái và họ có thể phạm tội bỏ rơi con cái nếu họ không làm tròn nghĩa vụ cha mẹ. Anh chị ruột chỉ có trách nhiệm nuôi dưỡng các em chưa đến tuổi thành niên khi cha mẹ đã mất. Ông Trương cho biết cơ quan dân sự nơi Liu cư trú nên hỗ trợ tài chính hoặc trợ cấp cho cô để chăm sóc gia đình của mình.
Một nhân viên của Liên đoàn Phụ nữ Hàng Châu nói với Thepaper.cn rằng liên đoàn đã liên hệ với Liu, nhưng cô đang không ổn định về cảm xúc và sẽ không nhận tài trợ vào lúc này.
Theo phunuonline