Mỹ, EU hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở Trung Mỹ
Cập nhật lúc 14:57, Thứ sáu, 11/06/2021 (GMT+7)
Mỹ tuyên bố sẽ dành 57 triệu USD trong khi EU thông báo phân bổ 22,5 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Trung Mỹ và Mexico nhằm giảm bớt tình trạng mất an ninh trong khu vực.
Cảnh sát ngăn chặn người di cư trong hành trình tới Mỹ tại khu vực Cofradia, Honduras, ngày 15/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tây Ban Nha ngày 10/6 cam kết viện trợ hơn 85 triệu USD cho Trung Mỹ và Mexico nhằm tạo ra các giải pháp thay thế cho những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Washington tuyên bố sẽ dành 57 triệu USD trong tổng số 310 triệu USD mà Phó Tổng thống Kamala Harris cam kết dành để viện trợ nhân đạo cho khu vực này hồi tháng 4 vừa qua.
Phát biểu tại một cuộc họp ở San Jose, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về vấn đề di cư, Amy Pope khẳng định: "Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho những nỗ lực xây dựng hệ thống tị nạn, cho phép các chính phủ tự giải quyết những áp lực của cuộc khủng hoảng người di cư. Đây cũng là một phần trong cách tiếp cận toàn diện của Tổng thống Joe Biden đối với làn sóng người di cư."
Về phần mình, EU thông báo phân bổ 22,5 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Trung Mỹ và Mexico nhằm giảm bớt tình trạng mất an ninh trong khu vực.
Ủy viên EU về Quản lý Khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết khoản viện trợ trên để hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực Trung Mỹ và Mexico cải thiện tình trạng bất ổn xã hội, khó khăn kinh tế trầm trọng do đại dịch COVID-19 và thiên tai gây ra, khiến nhiều gia đình và trẻ em phải rời bỏ nhà cửa đến vùng đất mới.
Trong khoản hỗ trợ tài chính trên, 14,5 triệu USD dành cho tài trợ nhân đạo và 8 triệu USD là viện trợ phát triển.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện trước khi diễn ra hội nghị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thuộc Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) và Tây Ban Nha, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ngoài số tiền 22,5 triệu USD mà EU cam kết, chính phủ của ông sẽ đóng góp 7,6 triệu USD.
Giáo hoàng Francis cũng khẳng định: "Chúng tôi nhận ra rằng nếu không có giải pháp khu vực sẽ không thể giải quyết vấn đề này."
Làn sóng người di cư bất hợp pháp từ các nước Trung Mỹ đổ vào Mỹ đã tăng mạnh từ năm 2018 và hiện đang trở thành vấn đề "đau đầu" đối với chính quyền của Tổng thống Biden.
Tháng 4 vừa qua, số người di cư bất hợp đổ về khu vực biên giới Mỹ-Mexico đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, với khoảng 180.000 người đã bị chặn lại.
Phó Tổng thống Mỹ Harris, đang có chuyến công du Mexico và Guatemala trong tuần này, cho biết các quốc gia phải đoàn kết để cùng giải quyết tận gốc nguyên nhân của vấn đề.
Theo bà Harris, Mỹ sẽ tiếp tục thực thi các đạo luật và bảo vệ biên giới. Bà nói: "Nếu các bạn đến biên giới của chúng tôi, các bạn sẽ phải quay về."
Trước đó, ngày 8/6, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Mexico của bà Harris, đại diện Bộ Ngoại giao Mexico và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ, qua đó giải quyết gốc rễ vấn đề di cư trái phép.
Theo các tổ chức nhân quyền, mỗi năm, có khoảng 500.000 người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ trong hành trình dài và nguy hiểm.
Những người di cư này luôn phải đối mặt với các rủi ro như bị bắt cóc và giết hại từ các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Theo Vietnamplus