Mỹ đang đặt cược vào thị trường năng lượng tái tạo. Trong ảnh là một cánh đồng điện gió ở Palm Springs, California- Ảnh: Reuters

Chỉ trong vòng chưa đầy 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền Biden đã đưa ra một loạt quyết sách mới để hiện thực hóa tuyên bố trên.

Trọng tâm đối ngoại

Đầu tiên là quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Kế đến là lần đầu tiên lập vị trí đặc phái viên của tổng thống về biến đổi khí hậu ở cấp bộ trưởng và bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Kerry vào vị trí này. Mới nhất đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra từ hôm nay (22-4).

Vậy những lý do gì khiến chính quyền mới của Tổng thống Biden không những đảo ngược lại chính sách của chính quyền Trump mà còn nâng tầm biến đổi khí hậu trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại. Có thể thấy ngoài việc phục vụ cho mục tiêu đối ngoại, chính sách này còn mang nhiều hàm ý đối nội.

Thứ nhất, trái ngược với những suy nghĩ thông thường, việc đặt biến đổi khí hậu là trọng tâm đối ngoại là nằm trong tổng thể chính sách đổi mới nền kinh tế Mỹ, nhằm đưa nước Mỹ phục hồi trở lại sau đại dịch.

Chính quyền Biden đã đặt cược cuộc cách mạng năng lượng tái tạo sẽ là xu hướng của tương lai, đánh giá thị trường năng lượng tái tạo sẽ có giá trị lên tới 2.500 tỉ USD vào năm 2025, và theo đó dự kiến đầu tư 2.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng và công nghệ mới, để không chỉ giảm lượng phát thải khí nhà kính mà còn đưa nước Mỹ dẫn đầu về phát triển các sản phẩm và công nghệ phục vụ cho xuất khẩu.

Hai là như Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã thẳng thắn thừa nhận là để cạnh tranh với đối thủ chiến lược của Mỹ trong thế kỷ này là Trung Quốc. 

Ông Blinken đã không giấu giếm là nước Mỹ khó có thể thắng được Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược này nếu Mỹ không đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. 

Cùng với 5G, nước Mỹ hiện đang đi sau Trung Quốc trong lĩnh vực này khi Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới các công nghệ về năng lượng tái tạo, từ các động cơ gió, pin mặt trời, ôtô điện... cho đến việc nắm giữ tới 1/3 số bằng sáng chế trong lĩnh vực này.

Ba là để giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu cũng như qua đó phục hồi lại vai trò của nước Mỹ trong vấn đề toàn cầu. Các bằng chứng khoa học đã cho thấy biến đổi khí hậu đã gây ra thảm họa tự nhiên tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây.

Đối với nhiều nước trên thế giới nơi biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức đối với an ninh và kinh tế, ngọn cờ biến đổi khí hậu có thể giúp Mỹ khôi phục lại lòng tin của đồng minh cũng như các nước khác về vai trò của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu sau nhiệm kỳ của tổng thống Trump vốn đã đặt nước Mỹ ở một vị thế đối đầu với cộng đồng quốc tế trong nhiều vấn đề.

Thách thức và tin tốt

Nhưng liệu chính sách ngoại giao biến đổi khí hậu của Mỹ có thành công hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Thách thức đầu tiên và lớn nhất không phải là sự hưởng ứng và hợp tác của các nước bên ngoài, mà nằm ngay chính trong nội tại nền chính trị Mỹ.

Lịch sử đã cho thấy chính sách biến đổi khí hậu của Mỹ dao động như một con lắc khi là ưu tiên dưới chính quyền của các tổng thống của Đảng Dân chủ nhưng sẽ đột ngột quay đầu khi một tổng thống của Đảng Cộng hòa lên nắm quyền. 

Không chỉ là việc tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà xa hơn nữa là tổng thống Bush năm 2001 đã từ chối thực hiện Nghị định thư Kyoto 1997. Biến đổi khí hậu đã và vẫn sẽ là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các chính trị gia Cộng hòa và Dân chủ.

Hơn thế nữa, Mỹ sẽ không thể thực hiện thành công mục tiêu này nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc vốn cùng với Mỹ là hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất nhì trên thế giới.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối thủ chiến lược của Mỹ, nhất là sau những căng thẳng trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung vừa qua ở Alaska, cũng như việc Mỹ tuyên bố sẽ không vì vấn đề biến đổi khí hậu mà nhượng bộ các "hành vi tồi tệ" khác như trong vấn đề nhân quyền, liệu Trung Quốc có sẵn sàng hợp tác thực chất với Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Nhưng cho dù thế nào, việc nước Mỹ đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cũng là một thông điệp tích cực về sự quay trở lại của nước Mỹ, và là một tin tốt cho các nước nhỏ chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

40

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 22 và 23-4 theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 40 lãnh đạo quốc gia, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Theo tuoitre