Trẻ em hiện chiếm 15% các ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ và ngày càng có nhiều em bị các ca bệnh nặng - Ảnh: American News Times

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), 93.824 ca nhiễm COVID-19 trẻ em đã được ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 29/7 đến 5/8, và trẻ em chiếm 15% trong số các trường hợp được báo cáo hàng tuần ở Mỹ.

Kể từ ngày 22/7, tổng số các ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em đã tăng 4%. Tính đến ngày 5/8, gần 4,3 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 từ khi bắt đầu đại dịch.

Tiến sĩ John McGuire, công tác tại Đơn vị chăm sóc đặc biệt nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle, cho biết phần lớn trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em là ở những trẻ còn quá nhỏ để tiêm vắc xin, hoặc gia đình các em chưa được tiêm chủng. Ông lưu ý, một cách để bảo vệ trẻ em khi các em chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin, là yêu cầu những người xung quanh các em đi tiêm chủng.

Các bác sĩ cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc mang khẩu trang trong ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, kể cả đối với những người đã tiêm chủng nhưng có thể tiếp xúc với nhiều người mang virus bên ngoài. 

CBS News đưa tin Louisiana là một trong những tiểu bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước Mỹ, và chỉ trong vòng hai tuần, 1% dân số của tiểu bang đã nhiễm virus. Thống đốc Louisiana - John Bel Edwards - cho biết: “Chúng tôi có nhiều trẻ em bị bệnh COVID-19 hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch”.

Texas và Florida hiện chiếm khoảng 1/3 các trường hợp COVID-19 ở Mỹ, và thống đốc của cả hai tiểu bang đều phản đối các quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi các trường học mở cửa trở lại. Trong khi đó, AAP đã khuyến nghị rằng tất cả trẻ em trên 2 tuổi phải đeo khẩu trang khi đi học lại.

Trong số thanh thiếu niên đủ tuổi để chủng ngừa, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết khoảng 51% các em 16-17 tuổi và 40% các em 12-15 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. Khoảng 7,7 triệu em đã được tiêm chủng đầy đủ.

CDC nói rằng mặc dù trẻ em nói chung có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 thấp hơn so với người lớn, nhưng các em có bệnh từ trước có thể phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4 theo dõi một nhóm hơn 20.000 bệnh nhi COVID-19 cho thấy rằng 2.430 em (11,7%) đã phải nhập viện và khoảng 31% trong số những em nhập viện trải qua giai đoạn bệnh nặng.

Mặc dù các ca bệnh nặng do COVID-19 không phổ biến ở trẻ em, vẫn có "nhu cầu cấp thiết phải thu thập thêm dữ liệu về tác động lâu dài của đại dịch đối với trẻ em, bao gồm cả những cách virus có thể gây tác hại cho sức khỏe thể chất lâu dài cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của trẻ bị nhiễm bệnh”, theo khuyến cáo của AAP.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số trẻ em có thể gặp phải các triệu chứng kéo dài, còn gọi là "COVID kéo dài" (Long COVID).

Theo phunuonline