Về Quảng Ngãi nghỉ xuân từ tháng 3 và chưa thể quay lại Mỹ do Covid-19, Đông Hải, học sinh Học viện CATS Boston, học và thi online nốt chương trình phổ thông. Em liên tiếp nhận tin vui khi 21 trường tại Mỹ, Anh, Canada và Singapore đồng ý trao học bổng, trong đó Đại học Yale-NUS, Đại học Georgetown và Đại học Toronto cấp học bổng toàn phần, lần lượt trị giá 6,8, 5,2 và 4,2 tỷ đồng
Theo bảng xếp hạng THE năm 2020, Toronto là đại học tốt nhất Canada, top 18 thế giới. Đại học Georgetown xếp thứ 24 tại Mỹ theo US News & World Report và Đại học Yale-NUS chỉ có tỷ lên trúng tuyển 5%. Ngoài ra, các trường Hải trúng tuyển còn có Vanderbilt, USC, Emory, McGill, NYU, KCL, Washington, Michigan, Middlebury...
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, Hải gắn bó với mảnh đất này đến hết năm lớp 10, sau đó rời trường THPT chuyên Lê Khiết sang Mỹ du học theo học bổng toàn phần Ivy Scholarship của Học viện CATS Boston. Đến một đất nước cách quê nhà hơn một ngày bay, Hải đối mặt với nhiều khó khăn.
Vốn quen với thời tiết nắng nóng tại Quảng Ngãi, Hải bị sốc nhiệt khi Boston bước vào mùa đông, có những ngày xuống âm 30 độ C. Dù sớm mua các thiết bị sưởi, Hải vẫn "ốm lên ốm xuống". Những ngày nằm một mình tại phòng y tế trường cùng nỗi nhớ nhà, Hải đã nghĩ "hay là về, sao phải khổ thế này?".
Thế nhưng, nhìn các bạn đến từ nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng thích nghi với cuộc sống xa gia đình, Hải có thêm động lực và không cho phép mình bỏ cuộc. "Bạn làm được mình cũng làm được, ai cũng có khó khăn riêng và mọi người đều phải cố gắng", Hải tự động viên mình.
Sau khoảng thời gian đầu bị "lỡ nhịp", chàng trai Quảng Ngãi mạnh dạn đăng ký 9 môn theo hình thức học nâng cao AP chỉ trong hai năm, tức vượt mức khuyến nghị của Học viện CATS Boston.
Hải cùng một số bạn đồng sáng lập Global Association of Economics Education (GAEE), tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hoạt động tại nhiều quốc gia. Giải thích lý do thực hiện dự án, nam sinh cho biết, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, học sinh không được dạy về kinh tế và tài chính cá nhân trong chương trình trung học. Dự án của Hải cung cấp tài liệu, hỗ trợ vốn để học sinh trung học thành lập câu lạc bộ về lĩnh vực này.
Dưới sự lãnh đạo của chàng trai Việt, GAEE được Bộ Ngân khố Mỹ chứng nhận là tổ chức phi lợi nhuận, được Liên Hợp Quốc, Google, Amazon, World Economics Association, AIESEC hỗ trợ và hợp tác. Từ một dự án chỉ hơn chục thành viên, đến nay mạng lưới GAEE đã có hơn 1.000 người tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cũng năm 2019, trên cương vị điều hành GAEE, Hải đã phối hợp tổ chức hội thảo "Giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0" với Sở Giáo dục Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Em cũng giúp tổ chức hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc tại TP Đà Nẵng (DYMUN) với vai trò chủ tọa.
Những đóng góp của nam sinh trong lĩnh vực giáo dục kinh tế nhận được sự chú ý của Hoàng gia Vương Quốc Anh. Tháng 8 năm ngoái, Hải trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất được bầu giữ chức vụ Ủy viên (Fellow) của Hiệp hội Hoàng gia RSA.
Đầu năm 2019, Hải tham dự cuộc thi Nhà Kinh tế trẻ của năm do thời báo Financial Times và Hội đồng Kinh tế Hoàng gia Anh tổ chức. Đề tài Universal Basic Income (thu nhập cơ bản phổ quát) của Hải được chọn là một trong 36 nghiên cứu hay trong tổng số 1.300 bài dự tuyển năm đó. Tác phẩm được Financial Times trao giải "Khen thưởng cao" và được một nhà xuất bản tại Đức đề nghị đăng tải nghiên cứu trên sách in và sách điện tử Amazon.
Tuy thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa ấn tượng, Hải vẫn tự nhận mình ngây thơ khi nghĩ hết lớp 12, học sinh mới bắt đầu ôn thi, nộp hồ sơ vào các đại học giống như ở Việt Nam. Mãi đến lúc bắt đầu năm học tháng 9/2019, thấy bạn bè rục rịch chuẩn bị hồ sơ xin học bổng trong đợt tuyển sinh sớm của các trường, Hải bị sốc rồi cuống cuồng ôn thi SAT.
Trong hai tháng, Hải vừa phải đảm bảo việc học nâng cao ở trường, ôn thi chứng chỉ, viết luận và duy trì hoạt động ngoại khóa. Có giai đoạn, Hải nhiều ngày thức trắng, uống cà phê liên tục để tỉnh táo, "biết là hại nhưng không còn cách nào khác". Nhờ dành nhiều thời gian và đầu tư nghiêm túc, nam sinh đạt 1520/1600 điểm SAT, duy trì điểm học vượt cấp luôn ở mức 3.9/4.0.
Để hồ sơ xin học bổng chất lượng, Hải đầu tư thời gian vào bài luận chính. Em kể về những trải nghiệm thời ấu thơ, khi lần đầu dám chấp nhận rủi ro và mong muốn thoát khỏi vùng an toàn để tự khám phá bản thân.
Là người viết thư giới thiệu cho Hải, tiến sĩ văn học Mazen El Makkouk, thầy giáo môn Văn học Anh tại Học viện CATS Boston, đánh giá sự nhiệt tình và nghiêm túc của học trò dành cho việc học là điều thầy chưa từng chứng kiến trong suốt thời gian dạy môn này. Sự thông thái và trí tưởng tượng phong phú đã giúp nam sinh khám phá mối liên hệ giữa văn học và đời sống. "Tôi ấn tượng bởi sự nhiệt tình và trưởng thành trong suy nghĩ của Hải và tin rằng em ấy sẽ là một nhà lãnh đạo sinh viên xuất sắc", thầy Mazen nói.
Khi Hải được 21 trường trao học bổng, nhiều người quen không bất ngờ. Tuy nhiên, có người bảo Hải sống không đúng tuổi. Ở lứa 17-18, học sinh nên trải nghiệm, chơi nhiều hơn là làm nghiên cứu, dự án vĩ mô như em đang theo đuổi. Nghe những nhận xét đó, Hải cho rằng tuổi nào không quan trọng, vấn đề là em yêu thích và hạnh phúc với việc thực hiện những điều đó.
Trong thời gian về nước vì Covid-19, ngoài học online tại nhà, Hải tham gia các dự án tình nguyện của Đoàn Thanh niên địa địa phương và kêu gọi ủng hộ được hơn nửa tấn gạo cho dự án ATM Gạo Tình thương tại Quảng Ngãi.
Thời gian tới, sau khi lựa chọn đại học để gắn bó bốn năm tiếp theo, Hải tiếp tục theo đuổi lĩnh vực kinh tế. Với GAEE, Hải mong có thể mở rộng quy mô và tìm thế hệ nối tiếp, thay mình phát triển dự án. "Nếu còn thời gian, em muốn nối lại đam mê với piano để thư giãn mỗi khi căng thẳng. Nghĩ về hành trình dài, nhiều cơ hội và thách thức phía trước, em cảm thấy hào hứng và rất mong đợi", Hải nói.
Theo vnexpress