Bốn tháng trước, đất bắt đầu được đào lên ở nơi mà người dân Iraq gọi là Thung lũng Yên bình mới ở Najaf (để phân biệt với Wadi Al-Salaam, hay Thung lũng Yên bình, nghĩa trang lớn nhất thế giới). Đến hiện tại, nơi này đã có hơn 3.200 ngôi mộ. Các tình nguyện viên làm việc mỗi đêm để đào những hố chôn mới. Ảnh: Reuters.
Theo đạo Hồi, việc chôn cất phải được thực hiện nhanh chóng, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi chết. Người chết sẽ được những người chuyên làm công việc tẩy rửa làm sạch. Thành viên gia đình vẫn có thể có mặt trong quá trình đó. Ảnh: Reuters.
Trước đại dịch, người Hồi giáo Shiite, bất kể họ đến từ nơi nào ở Iraq, sẽ mang quan tài trên vai đi quanh đền thờ Imam Ali ở thành phố Najaf - nơi hành hương của người Shiite - và cầu nguyện cùng quan tài bên ngoài cửa đền thờ. Sau đó, họ sẽ đưa quan tài đến nghĩa trang Wadi-Al-Salam để chôn cất. Ảnh: AFP.
Người Sunni sẽ tổ chức đám tang gần nhà và sau đó đưa thi thể đến nghĩa địa gần đó. Cũng như trong Hồi giáo Shiite, những người làm việc chôn cất sẽ nhấc thi thể quấn vải trắng của người quá cố ra khỏi quan tài và đặt xuống đất, đầu thi thể hướng về Mecca. Ảnh: AFP.
Với những người có người thân chết vì Covid-19 được chôn cất ở Thung lũng Hòa bình mới, những nghi lễ trên là một điều không tưởng. "Họ chôn người thân mình không theo cách thông thường và điều này làm họ rất buồn", Tawfik Mahdi, giáo sĩ từ Najaf, người cố gắng an ủi các gia đình nói. "Vai trò của chúng tôi là giảm bớt sự đau buồn của họ và nói 'Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn'". Ảnh: Reuters.
Ý tưởng về nghĩa trang này bắt đầu khi các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên qua đời ở Baghdad. Các nghĩa trang từ chối chôn họ vì người thân của những người không chết vì nhiễm virus cảm thấy bị sỉ nhục khi chôn người thân mình cạnh bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP.
Sheikh Tahir Al-Khaqani, người đứng đầu Sư đoàn chiến đấu Imam Ali, lực lượng dân quân đầu tiên được tạo ra để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bàn bạc với thống đốc Najaf, giáo sĩ Shiite Ali al-Sistani và tổ chức quản lý tài chính của người Shiite về việc tạo ra nghĩa trang dành cho nạn nhân Covid-19. Trong vài ngày, họ có được mảnh đất rộng khoảng 610 héc-ta cách Najaf 32 km để chôn cất. Ảnh: AP.
Sư đoàn chiến đấu Imam Ali tình nguyện điều hành nghĩa trang. Đội y tế của lực lượng này đảm nhận công việc tiếp nhận người chết, khử trùng các túi đựng xác và tẩy rửa người chết. Các đội ngũ khác chịu trách nhiệm cho việc đào và chôn cất. Gia đình được phép đến thăm 10 ngày sau khi chôn cất. Ảnh: Reuters.
Theo lệnh của giáo sĩ Ali al-Sistani, mặc dù nghĩa địa được điều hành bởi người Shiite, nhưng nơi này chào đón mọi người bất kể đức tin hay giáo phái và việc chôn cất là miễn phí. Mohammed Qasim, nông dân trồng rau gần Baghdad, cho biết những người làm việc ở nghĩa trang này là "những thiên thần trên trần thế". "Đây là những người cao quý nhất mà tôi từng gặp. Làm sao họ có thể ăn bữa sáng, trưa và tối cùng với người chết và không phàn nàn". Ảnh: Reuters.
Việc chôn cất diễn ra từ 6 giờ chiều cho đến lần cầu nguyện đầu tiên của buổi sáng. Cha, mẹ, anh chị em, con trai và con gái đứng ở ngoài rìa nghĩa trang, quan sát việc chôn cất của người thân mình. Họ bị ngăn lại bởi một sợi dây để đảm bảo tránh xa bất kỳ nguồn lây nhiễm nào. Ảnh: Reuters.
Theo zingnews