Mạng xã hội Ai Cập đang chứng kiến một làn sóng phẫn nộ nhằm vào nạn hiếp dâm và tấn công tình dục ở quốc gia này. Nhiều nạn nhân dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và tố cáo thủ phạm làm hại đời họ. Lời khai của họ được một số tài khoản thu thập và đăng tải công khai.

“Hiện nay, cách duy nhất để chống lại vấn nạn này là thông qua Internet. Nếu gia đình bạn giàu có và quyền lực, bạn có thể dễ dàng thoát khỏi mọi tội ác. Vì thế, chỉ có mạng xã hội mới giải quyết được”, Ahmed, quản trị viên của tài khoản “Những kẻ quấy rối ở Cairo”, nói.

Một trong những tài khoản "bóc trần" những vụ cưỡng hiếp tại Ai Cập. Ảnh: The Guardian.

Ahmed chia sẻ rằng anh điều hành trang mạng xã hội trên cùng với 2 người bạn nam.

“Tôi không nghĩ rằng có nhiều chàng trai sẵn sàng lên tiếng về vấn đề này, nên chúng tôi sẽ tiên phong thực hiện”, anh nói.

Cùng lúc đó, tài khoản “Assaultpolice”, một trong những trang hoạt động giống mục đích với “Những kẻ quấy rối ở Cairo”, đã mạnh tay vạch trần những hành vi xấu xa, đồi trụy của Ahmed Bassam Zaki (22 tuổi, sống ở Ai Cập). Được biết, hung thủ xuất thân từ một gia đình giàu có.

Chỉ sau 3 ngày, tài khoản này đã tạo nên cuộc chấn động lớn, khiến cảnh sát Cairo phải vào cuộc và bắt giữ bị cáo tại nhà riêng. Số lượng nạn nhân của Zaki lên tới hơn 100 người, trong đó có cả những bé gái mới 14 tuổi.

Zaki bị buộc tội cố cưỡng hiếp 3 cô gái, bao gồm trẻ dưới vị thành niên, cùng tội danh quấy rối tình dục và sử dụng mạng xã hội để tấn công phụ nữ. Hắn cũng thừa nhận một số cáo buộc như tống tiền và đe dọa nạn nhân.

Ahmed Bassam Zaki, 22 tuổi, xuất thân từ một gia đình giàu có.

Sau vụ việc Zaki, “Assaultpolice” tiếp tục lấy lời khai của các nạn nhân dưới tuổi vị thành niên bị cưỡng hiếp tập thể bởi nhóm 6 người đàn ông giàu có ở Cairo.

Những chiến dịch phản đối nạn hiếp dâm tiếp tục tạo ra những kết quả tích cực hiếm thấy.

Một cô gái khác, Sally Zakhari, bị lạm dụng tình dục từ năm 12 tuổi bởi Reweiss Aziz Khalil, linh mục thuộc giáo phận phía nam Ai Cập và hiện hoạt động ở Mỹ.

Đơn tố cáo về hành vi của Khalil được gửi đến Giáo hoàng Ai Cập Tawadros II. Tuy nhiên, sau 6 tháng ròng rã không có kết quả, cô quyết định chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội.

“Tôi từng im lặng, kín tiếng và kiên nhẫn chờ đợi nhưng không hiệu quả. Việc công khai sự việc là lựa chọn cuối cùng của tôi”, cô chia sẻ.

Bất ngờ, sự lên tiếng của Zakhari đã khiến Nhà thờ Chính thống giáo Coptic chú ý. Họ kiên quyết khai trừ và tước mọi chức vị của Khalil. Vị linh mục buộc phải từ Mỹ trở về Ai Cập để phục vụ quá trình điều tra.

Đa số phụ nữ đều từng là nạn nhân


Các nhà hoạt động nữ quyền cho biết luật pháp Ai Cập còn nhiều hạn chế về các vấn đề xung quanh nạn quấy rối và bạo hành tình dục. Do đó, những người sống sót sau vụ hiếp dâm phải chịu thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn khi đứng lên tố cáo sự việc.

TikToker Haneen Hossam bị bắt giữ sau khi mời gọi các cô gái Ai Cập "làm việc với mình để kiếm nhiều tiền".

Bất chấp những thay đổi gần đây, bao gồm dự thảo luật giấu tên nạn nhân trước tòa và các biện pháp gửi lời khai mới thông qua Internet tới văn phòng công tố của Ai Cập, nhiều người cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài để các nạn nhân thực sự thoải mái khi trình báo vụ việc với cảnh sát, hoặc chứng kiến thủ phạm thường xuyên được đưa ra ánh sáng.

Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc năm 2013, khoảng 99% trong số những người được khảo sát cho rằng gần như tất cả phụ nữ Ai Cập đều từng là nạn nhân của quấy rối và tấn công tình dục.

Gần đây, liên tiếp 8 nữ TikToker Ai Cập nổi tiếng đã bị tuyên án hai năm tù với tội danh “vi phạm chuẩn mực đạo đức” vì đăng tải video vũ đạo, vui chơi hoặc mời gọi các cô gái hãy đến làm việc với mình để kiếm thật nhiều tiền.

Thậm chí, một cô gái 17 tuổi bị bắt với tội danh “ủng hộ văn hóa đồi trụy” sau khi sử dụng TikTok để chia sẻ câu chuyện một nhóm thanh niên cưỡng hiếp cô.

Trong video, cô khóc rất nhiều và mặt mũi bầm dập do vừa bị 6 thanh niên tấn công tình dục. Hiện cô bị tạm giam tại một trung tâm phục hồi chức năng trước khi phiên tòa xét xử diễn ra.

Mặc dù là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp, cô gái 17 tuổi vẫn bị giam giữ.

“Xã hội Ai Cập đang chia nữ giới thành 2 phe: 'phụ nữ tốt đẹp' đáng được bảo vệ và 'phụ nữ xấu xa' giống như những cô gái trên TikTok”, Mozn Hassan, người sáng lập tổ chức Nazra dành cho nữ quyền có trụ sở tại Cairo, chia sẻ.

Cô cho biết chính quyền thường xuyên bắt giữ các nhà hoạt động nữ quyền và nhắm mục tiêu vào các tổ chức phi chính phủ như Nazra. Bản thân Hassan cũng bị áp đặt lệnh cấm đi lại.

“Bản án thực sự khiến mọi người chấn động, tuy nhiên cũng đã được lường trước. Chúng ta sẽ biết mọi chuyện diễn ra như thế nào trong buổi kháng cáo”, luật sư đấu tranh cho quyền phụ nữ Instissar al-Saeed bình luận.

“Đây là một dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn. Bất chấp thực tế rằng có nhiều quan điểm khác nhau về những nội dung mà phụ nữ đăng tải trên mạng, đây vẫn không thể là lý do để bỏ tù họ”, luật sư nói thêm.

Theo  Zing