Chiều cuối tuần qua, trong con phố hẹp tại khu phố Itaewon của Seoul chật cứng người tham gia lễ hội Halloween. Eunseo Kim - một nữ sinh trung học 17 tuổi - và bạn của cô cũng chen lấn vào đám đông. Dòng người chờ được vẽ mặt hoặc vào nhà hàng ngày càng đông và càng về tối dòng người càng đổ dồn về khu phố.
Khi Eunseo Kim chậm rãi đi lên con hẻm hẹp trên một ngọn đồi, đám đông ngày càng trở nên dồn nén. “Nhiều phụ nữ liên tục la "làm ơn đừng đẩy". Tôi bắt đầu thấy khó thở khi lồng ngực như bị bóp nát", Kim nhớ lại.
Sau đó cô gái trẻ mất thăng bằng và ngã xuống. Trên mặt đất, Kim cảm thấy mình như vô hình trước đám đông. Mọi người giẫm lên mắt cá chân, cổ tay và bắp chân của cô, và cô tưởng rằng mình sẽ chết.
Thật may mắn, Kim sống sót, nhưng ít nhất 156 người khác đã thiệt mạng trong đêm thứ Bảy oan nghiệt, 101 người trong số họ là phụ nữ, chủ yếu ở độ tuổi thiếu niên hoặc 20 tuổi, theo số liệu do Bộ Nội vụ và An toàn công bố hôm 1/11.
|
Mọi người khóc khi tưởng nhớ các nạn nhân |
Các chuyên gia cho biết, phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trong các tình huống "giẫm đạp hay bạo loạn ở đám đông" bởi vì họ thường thấp hơn và thể chất kém hơn nam giới. Choi Sukjae, chuyên gia y học cấp cứu và giám đốc quan hệ công chúng của Hiệp hội Y tế cấp cứu Hàn Quốc cho biết: “Khoảng cách chiều cao từ 5-10cm cũng tạo ra sự khác biệt lớn khi nói đến áp lực lồng ngực".
Với chiều cao khoảng 1,72m, Kim cao hơn nhiều phụ nữ khác ở Hàn Quốc nhưng cô vẫn cảm thấy hơi thở như bị bóp nghẹt khi mọi người bắt đầu đẩy nhau. “Mọi người đã thúc đẩy, ép tôi từ cả hai phía trước và sau, ngực tôi như bị nén lại”, cô nói.
Một đoạn video kịch tính được quay trong một con hẻm gần nơi Kim bị giẫm đạp cho thấy một vài người đàn ông cố xoay xở để thoát khỏi tình huống nghẹt thở. Một người đàn ông đứng lên và thoát khỏi đám đông bằng cách phóng lên một lan can tòa nhà, sau đó trèo qua biển báo chiếu sáng chạy ra khỏi đám đông, tránh được nguy hiểm.
|
Người dân Hàn Quốc và thế giới bàng hoàng sau thảm kịch Itaewon |
Hơn 100.000 người được cho là đã có mặt trên đường phố Itaewon vào đêm 29/10. Theo Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, trong số 156 người thiệt mạng, có 12 người là thanh thiếu niên và 104 người ở độ tuổi 20, 31 người khác ở độ tuổi 30, 8 người ở độ tuổi 40 và một người ở độ tuổi 50. Trong số đó, có 55 người là nam và 101 là nữ.
Hiện tại, 29/151 người bị thương vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Dirk Helbing, giáo sư tại Đại học ETH Zurich, người nghiên cứu động lực đám đông, cho biết số phụ nữ và thanh niên thiệt mạng là thảm họa gây sốc và vụ việc cần được điều tra thêm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Helbing đã nghiên cứu sâu về thảm họa Cuộc diễu hành tình yêu năm 2010 tại Đức, trong đó 21 người đã chết khi thoát ra khỏi đám đông hỗn loạn, ông cho rằng thảm kịch ở Seoul có điểm tương đồng với thảm họa này.
Sự hỗn loạn đám đông xảy ra khi lực đẩy của nhóm người ngày càng nhiều, mọi người đẩy nhau một cách không chủ ý và truyền lực giữa các cơ thể. “Những lực thất thường này gây ra một sự chuyển động hỗn loạn. Bất kỳ ai cũng có thể vấp ngã, từ đó gây hoảng loạn và cứ thế tự ngã, tạo ra hiệu ứng domino khi ngày càng nhiều người ngã đè lên nhau”, Helbing nói.
'Trên thực tế, trong nhiều trường hợp nguy cấp, nhiều người đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, nhưng tình huống đó có thể là tuyệt vọng, và ngay cả cảnh sát hoặc các đơn vị chức năng đến giải cứu cũng không thể ngăn chặn thảm họa", ông nói thêm.
|
Hàn Quốc tổ chức quốc tang từ ngày 30/10 - 5/11 |
Kim cho biết, sau khi cô ngã, người bạn của cô đã cố gắng đỡ lấy cô nhưng sau đó biến mất trong đám đông. “Tôi liên tục nghe thấy mọi người nói "đừng đẩy, đừng đẩy" và mọi người đã ngã. Bạn tôi đã cố gắng tóm lấy tôi nhưng cuối cùng chúng tôi bị cuốn trôi đi, như một cơn sóng thần đã cuốn tất cả vậy".
Kim là một trong những người may mắn, cô xoay xở để đứng dậy với sự giúp đỡ của một người đàn ông mặc trang phục cảnh sát, và tìm thấy bạn mình ở cầu thang của một câu lạc bộ ven đường. Một nhân viên câu lạc bộ đã kéo cô và những người khác vào bên trong và giúp họ thoát qua cửa sau đến nơi an toàn.
Kim cho biết, 3 ngày đã qua nhưng tim cô vẫn đập loạn xạ khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương, và cô cảm thấy ngột ngạt. “Bạn bè ở trường nói về thảm kịch Itaewon, tôi muốn trốn đi nơi khác và không muốn nghe về nó nữa”, cô nói.
Theo phụ nữ TPHCM