leftcenterrightdel
Thời gian gần đây, các quốc gia Đông Nam Á liên tục đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Shah Alam, Selangor, Malaysia, ngày 20/12/2021. (Nguồn: TTXVN) 

Tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu

Theo ông Yeb Sano, Giám đốc điều hành tổ chức môi trường Greenpeace Đông Nam Á, việc thiết lập một quỹ tài chính đền bù tổn thất và thiệt hại về mặt kinh tế do biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của Hội nghị COP thường niên.

Ông Sano, cựu chuyên gia đàm phán về khí hậu của Philippines, nhận định: “Những nguồn tài chính này rất quan trọng bởi nhiều quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương không có đủ nguồn lực để đối mặt với ảnh hưởng khí hậu.

Họ thiếu hụt khả năng để đương đầu với các thảm họa nhưng lại chịu trách nhiệm rất ít đối với cuộc khủng hoảng khí hậu ngay từ đầu”.

“Tổng thất và thiệt hại” là thuật ngữ đang được sử dụng trong các cuộc đàm phán về khí hậu đề cập những hậu quả không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như vấn đề mực nước biển dâng.

Thời gian gần đây, các quốc gia Đông Nam Á phải liên tục đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Hồi đầu năm nay, trận lũ lớn ở Malaysia đã gây thiệt hại tương đương 1,36 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Năm ngoái, siêu bão Rai đã càn quét Philippines, ước tính gây thiệt hại đến 507,7 triệu USD về nông nghiệp, nhà cửa, đường sá, điện nước,...

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước đang phát triển có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do thiếu kinh phí hay năng lực thể chế, điển hình như việc không có kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực này.

Mặt khác, các nước nghèo hơn cũng cần phải ưu tiên đầu tư vào các điều kiện để phát triển, vốn thường sẽ đi kèm các kế hoạch dài hạn để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển ở Bangladesh, lại chỉ ra rằng hầu hết các nước phát triển đều không muốn thừa nhận trách nhiệm đối với những hậu quả từ biến đổi khí hậu mà các quốc gia dễ bị tổn thương đang phải gánh chịu.

Điều này là nguyên nhân khiến cho vấn đề về tổn thất và thiệt hại lại càng trở nên phức tạp.

Ngoài ra, những thách thức trong việc chỉ định trách nhiệm cho các sự kiện cụ thể cũng là một vấn đề cần giải quyết.

Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á: Quyền lợi và trách nhiệm
Vấn đề đền bù tổn thất và thiệt hại cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị COP27 được tổ chức tại thành phố ven biển Sharm El Sheikh, Ai Cập từ ngày 6-18/11.

Giải pháp khả thi

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để các nước đang phát triển có thể được đền bù cho những tổn thất và thiệt hại họ phải chịu đựng đến từ các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ và các nước châu Âu.

Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị COP27 được tổ chức tại thành phố ven biển Sharm El Sheikh, Ai Cập từ ngày 6-18/11.

Bà Melisa Low, chuyên gia giám sát chính sách tại Trung tâm Giải pháp Khí hậu dựa trên thiên nhiên của Đại học quốc gia Singapore (NUS), cho rằng việc thành lập một quỹ tài chính như vậy có thể mang lại nhiều lợi ích hơn, không chỉ là để bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại của các quốc gia.

Dự phòng, nâng cao năng lực trước biến đổi khí hậu là điều đặc biệt cần thiết với khu vực Đông Nam Á khi Thái Lan là vựa gạo của khu vực, cung cấp đến 1/4 lượng gạo thương mại toàn cầu, trong khi ngành nông lâm nghiệp của Indonesia lại xuất khẩu các sản phẩm giấy và dầu cọ ra toàn thế giới.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo có thể gia tăng cấp độ nguy hiểm theo tốc độ nóng lên toàn cầu, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và nhiều tổn thất khác.

Bà Low cũng lưu ý rằng Bộ Tài chính Philippines đã ước tính tổn thất và thiệt hại từ những hiện tượng thời tiết cực đoan từ năm 2010 đến 2020 lên đến khoảng 10 tỷ USD. Điều này nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của Philippines đối với cuộc khủng hoảng khí hậu mặc dù họ chỉ đóng góp 0,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Theo ông Sano, “một quỹ tài chính có thể cung cấp tài trợ cho các cộng đồng đang phải hứng chịu nhiều mất mát và thiệt hại do lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán và mực nước biển dâng", giúp ngăn ngừa những tổn thất và thiệt hại tiếp theo cũng như đối phó và chống chọi lại cú sốc do những tác động đó gây ra.

Theo baoquocte