leftcenterrightdel
 Nhiệt độ tăng cao trên toàn thế giới

Nhiệt độ tăng cao

Trong một báo cáo của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), 10 tháng qua, Trái đất ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục so với cùng thời điểm những năm trước. Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.

C3S cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nắng nóng đặc biệt này do khí thải nhà kính mà con người gây ra. Cùng với đó, các yếu tố khác như El Nino cũng làm tăng nhiệt độ. Mặc dù El Nino đã giảm bớt trong tháng 3 nhưng nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao kỷ lục trong bất kỳ tháng nào. Cùng với đó, nhiệt độ không khí biển vẫn cao bất thường.

Ngoài ra, tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra một số vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3. Hạn hán ở Nam Phi đã xóa sổ mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết, có 45,1% khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, vượt qua năm 2023. Ngoài ra, có 99,9% khả năng năm 2024 sẽ ở trong nhóm 5 năm nóng nhất lịch sử.

Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2024 được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, thời tiết khắc nghiệt được xếp hạng là rủi ro số 1 trên toàn cầu. Những gì nhân loại có thể làm là đối phó tốt hơn bằng cách chuẩn bị trước khi các đợt nắng nóng xuất hiện:

Trước tiên, chuẩn bị ứng phó với nắng nóng cần tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất.

Thứ hai, ưu tiên các cảnh báo sớm và hành động sớm. Biến khoa học và dự báo thời tiết thành thông tin có thể tiếp cận được sẽ cứu được nhiều sinh mạng.

Thứ ba, trao quyền cho chính những người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của nắng nóng. Ví dụ, dạy các tình nguyện viên các kỹ năng cần thiết, trong đó có có sơ cứu, giúp đỡ người bất tỉnh do quá nóng.

Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 243 triệu trẻ em trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến nắng nóng khi khu vực này chuẩn bị đối mặt một mùa hè với nền nhiệt cao kỷ lục trong những tháng tới. UNICEF cho biết, vì trẻ em ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn người lớn nên các em dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt như bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và các bệnh tim mạch.

Hiện tượng thời tiết cực đoan gây nắng nóng cực độ và ở mức nguy hiểm đang được ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Philippines. Theo chính phủ Thái Lan, cho đến nay, một số khu vực ở nước này có lúc nhiệt độ đã lên tới 44,5 độ C. Đồng thời cảnh báo nắng nóng cực độ tại 21 tỉnh, thành và khuyến cáo người dân không nên ở ngoài trời trong khoảng thời gian dài để tránh bị say nắng.

leftcenterrightdel
 Học sinh dùng bìa cứng để che trong ngày nắng nóng ở Manila, Philippines

Trong khi đó, tại Philippines, hàng trăm trường học (nhiều trường ở thủ đô Manila), đã tạm ngừng các buổi học trực tiếp do chỉ số nhiệt ở mức cao nguy hiểm. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Philippines, chỉ số nhiệt từ 42 độ C đến 51 độ C có thể gây chuột rút và kiệt sức do nhiệt, có thể xảy ra sốc nhiệt nếu thời gian kéo dài.

UNICEF cho biết, cha mẹ và người chăm sóc được khuyến khích tạo ra những nơi mát mẻ hơn cho trẻ chơi ở nhà và trường học để chúng có thể tránh ra ngoài trời. Đảm bảo trẻ em mặc quần áo thoáng khí để giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Tổ chức này cho biết thêm trẻ em nếu có triệu chứng bị sốc nhiệt phải được nhập viện ngay.

Theo dự đoán của UNICEF, tất cả 2 tỷ trẻ em trên thế giới dự kiến sẽ phải hứng chịu tần số sóng nhiệt cao vào năm 2050, bất kể kịch bản phát thải khí nhà kính như thế nào.

Theo thoidai