|
|
Một khu vực bị nước biển xâm thực trên đảo Tierra Bomba ở Colombia |
Hãng AFP ngày 22.3 dẫn phân tích mới nhất do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn đầu cho thấy mực nước biển trung bình trên toàn cầu tăng thêm khoảng 0,76 cm từ năm 2022 đến năm 2023, cao hơn gần 4 lần so với mức tăng trong năm trước đó.
Kết quả được đưa ra dựa trên hơn 30 năm quan sát vệ tinh, với lần phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1992 và lần phóng vệ tinh mới nhất là vào năm 2020. Nhìn chung, mực nước biển đã tăng 10,16 cm kể từ năm 1993, với tốc độ tăng ngày càng nhanh.
"Tốc độ tăng hiện tại có nghĩa là chúng ta đang trên đà tăng thêm 20 cm mực nước biển trung bình toàn cầu vào năm 2050", theo bà Nadya Vinogradova Shiffer, giám đốc chương trình về sự thay đổi mực nước biển và vật lý học hải dương của NASA.
Con số đó có nghĩa là mức độ thay đổi trong 3 thập niên tới là gấp đôi so với mức tăng trong cả thế kỷ qua, với viễn cảnh lũ lụt xảy ra thường xuyên và thảm khốc hơn so với ngày nay.
Nguyên nhân trực tiếp của sự tăng vọt là do hiện tượng thời tiết El Nino thay thế La Nina từ năm 2021 đến năm 2022. El Nino liên quan nhiệt độ đại dương ấm hơn mức trung bình ở vùng xích đạo của khu vực Thái Bình Dương.
"Trong những năm có hiện tượng El Nino, phần lớn mưa vốn thường rơi trên đất liền sẽ đổ ra đại dương, khiến mực nước biển tạm thời dâng cao", theo chuyên gia về mực nước biển của NASA Josh Willis.
Tuy nhiên, cũng có tác động rõ ràng từ con người trong xu hướng mực nước biển dâng nhanh hơn.
"Các bộ dữ liệu dài hạn như số liệu vệ tinh trong 30 năm này cho phép chúng ta phân biệt giữa các tác động ngắn hạn đối với mực nước biển, như El Nino, và các xu hướng về lâu dài", ông Ben Hamlington dẫn đầu nhóm nghiên cứu về sự thay đổi mực nước biển tại NASA nêu rõ.
Những đổi mới về công nghệ đã mang lại độ chính xác cao hơn cho việc đo đạc trong những năm qua. Chẳng hạn như máy đo độ cao radar phản xạ vi ba từ mặt biển, sau đó ghi lại thời gian tín hiệu truyền trở lại vệ tinh, cũng như cường độ của tín hiệu phản hồi.
Các chuyên gia cũng kiểm tra chéo dữ liệu của mình với các nguồn khác như máy đo thủy triều, phép đo vệ tinh về hơi nước trong khí quyển và lực hấp dẫn của Trái đất.
Theo Thanh niên