Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 vào sáng 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy, đây là chủng virus mới xuất hiện. Trước đây, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus khác nhau.

Chủng virus mới này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng đã ghi nhận. Nhưng chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này so với các chủng trước.


                                                        Phun khử khuẩn Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng trong đêm 26/7. Ảnh: Khôi Trần.

Các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và đề ra các giải pháp tối ưu để ứng phó trong thời gian tới.

Về việc phong tỏa cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa về nguồn lực để cùng địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch...

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng (gồm bệnh nhân 416 và 418), đến sáng nay các chỉ số sức khỏe tương đối ổn định...

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực để nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa...

PGT.TS Trần Đắc Phu, PGS.TS Lê Quang Cường cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong tỏa tất cả mà phong tỏa từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe...

Đến trưa 27/7, Việt Nam ghi nhận 420 ca nhiễm nCoV, 365 trường hợp khỏi bệnh, 55 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Trước ca 416, Việt Nam đang ở ngày thứ 99 không ghi nhận lây nhiễm nCoV trong cộng đồng. Trước ngày 6/3, Việt Nam cũng ghi nhận 23 ngày không lây nhiễm cộng đồng cho đến khi "bệnh nhân 17" về nước - trở thành người đầu tiên nhiễm nCoV trong giai đoạn hai. Ngay sau đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được xác định tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quảng Nam, Bình Thuận, Lào Cai...

Trong giai đoạn cao điểm nhất của dịch, Việt Nam thực hiện hơn hai tuần cách ly xã hội kể từ ngày 1/4, các trường học đóng cửa; công sở và doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ giảm hoạt động hoặc chuyển sang trực tuyến; giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không đều hạn chế.