Nga thong bao se som so tan nhan vien ngoai giao khoi Ukraine hinh anh 1
 Các binh sỹ Vệ binh Quốc gia Ukraine canh gác sau khi các nhà hoạt động đặt các cây thánh giá trong cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Kyiv ngày 22/2. (Nguồn: AFP)

 

Ngày 22/2, Nga tuyên bố sẽ sớm sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine sau khi Thượng viện duyệt đề xuất điều quân ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin.

Hãng thông tấn Sputnik dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Trong tình hình hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của các nhà ngoại giao Nga, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao Nga. Do đó, lãnh đạo Nga quyết định sơ tán nhân viên thuộc các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine. Công tác này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất."

Thông báo nêu rõ các nhân viên ngoại giao Nga "nhận được những lời đe dọa" và đã xảy ra một vài vụ phóng hỏa xe của các phái bộ ngoại giao Nga.

Thông báo sơ tán nhân viên ngoại giao Nga tại Ukraine được đưa ra sau khi Thượng viện Nga ngày 22/2 thông qua đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin.

Trước đó một ngày, Tổng thống Putin tuyên bố Nga công nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở miền Đông Ukraine, chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga để bảo đảm hòa bình trên lãnh thổ của DPR và LPR.

Phản ứng trước quyết định trên của Nga, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản đã đồng loạt tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 22/2 đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tuyên bố của Đức - nước đang giữ chức Chủ tịch G7, cho biết tại cuộc điện đàm, các ngoại trưởng chỉ trích việc Nga công nhận DPR và LPR, cũng như việc Nga quyết định đưa quân đội vào các khu vực này.

Căn cứ vào những diễn biến mới và kết quả cuộc gặp ngày 19/2 vừa qua tại Munich (Đức), các ngoại trưởng G7 đã chuẩn bị cho các bước tiếp theo, trong đó có mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga, đồng thời nhất trí phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 22/2 cũng tổ chức cuộc họp bất thường theo yêu cầu của Ukraine sau những động thái trên của Nga.

Theo Vietnamplus