Giới thiệu cho chúng tôi về 4 bức tranh trong bộ “Chiêu Quân cống Hồ”, họa sĩ Phan Ngọc Khuê vẫn không giấu được cảm xúc như cách đây hơn 40 năm, khi ông bắt đầu theo đuổi, sưu tầm và bảo tồn nét đẹp văn hóa rất riêng của đất kinh kỳ.

leftcenterrightdel
 4 bức tranh trong bộ tranh Chiêu quân cống Hồ được nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

“Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi – anh kiệt, chuyển tải được tinh thần của truyện và ý tưởng của tác giả. Tranh ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhằm đề cao giáo dục những nhân cách đẹp mà xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại”, ông hào hứng phân tích.

Là một họa sĩ công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Phan Ngọc Khuê luôn đau đáu với các dòng tranh dân gian. Đi tới đâu, ông cũng tìm kiếm những bức tranh cổ, trong đó có dòng tranh truyện Hàng Trống.

Tranh truyện Hàng Trống, theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê có lẽ được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. Những tác phẩm này được bày bán nhộn nhịp ở Hàng Trống, là món ăn tinh thần của người dân, đặc biệt trong những dịp tết đến, xuân về.

Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu. Loại tranh này kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa độc đáo của người kinh kỳ xưa.

Người họa sĩ ngoài 80 tuổi nhớ lại, trong một lần tới tiệm tranh Thanh An – nổi tiếng một thời của Hà Nội, ông được cụ chủ hàng dẫn lên gác xép. “Ở đó, một bộ tranh truyện Hàng Trống được bó tròn lại, xếp ở một góc vì chẳng còn ai quan tâm, mua bán. Cụ đã cho tôi để làm giàu bộ sưu tập dòng tranh cổ này”, ông kể lại.

Suốt nhiều năm sưu tầm, tại triển lãm Tranh truyện hàng Trống, 40 bức tranh truyện thuộc 10 bộ tranh truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt đã được trưng bày. Họa sĩ Phan Ngọc Khuê cho hay, để có được những bộ tranh còn nguyên vẹn này, ông đã phải dụng công bồi lại tranh. Đáng tiếc, do dòng chảy thời gian, có rất nhiều bức tranh không còn nguyên vẹn để có thể ra mắt.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Phan Ngọc Khuê dành hơn 40 năm sưu tập, giữ gìn Tranh truyện Hàng Trống

Tại triển lãm, chị Phan Ánh – con gái của họa sĩ Phan Ngọc Khuê rưng rưng khi đứng bên những bức tranh đã gắn liền với cuộc sống và tuổi thơ chị.

“Bố tôi tiếp nhận bộ Tranh truyện Hàng Trống đầu tiên vào năm 1980, lúc đó, cả ba chị em tôi đều chưa tới 10 tuổi. Trong ký ức của tôi, hồi đó cả gia đình sinh sống trong một khuôn viên vỏn vẹn 40 mét vuông – vừa là nhà ở, vừa là nơi trưng bày tranh của bố.

Ấy vậy mà, toàn bộ những bức tranh truyện Hàng Trống được trưng bày chưa một lần bị “va chạm”, làm hư hỏng. Mọi người sinh hoạt đều rất cẩn thận, bảo vệ tranh vì bố đã giảng giải cho chúng tôi hiểu đây là những tư liệu quý hiếm, vô giá. Sau đó, mỗi lần chuyển nhà, tranh truyện Hàng Trống luôn là tài sản đầu tiên mà bố mang theo”, chị xúc động chia sẻ.

Quá trình bồi tranh để giữ tác phẩm bền bỉ với thời gian, theo chị Phan Ánh vô cùng vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng mi-li-mét. Theo đó, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã phải mất cả năm trời để thực hiện, cẩn trọng trong từng công đoạn như làm nguyên liệu bồi, bồi giấy, bo tranh...

Để lan tỏa nét văn hóa dân gian độc đáo của Tranh truyện Hàng Trống, tại triển lãm, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ với mong muốn dòng tranh này sẽ tiếp tục được bảo tồn, phục dựng, được nhiều người trong và ngoài nước biết tới, trân trọng những giá trị mà tranh mang lại.

Tranh truyện Hàng Trống mở cửa phục vụ tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 18/3 – 21/3/2024, là một trong những hoạt động ý nghĩa diễn ra trong tháng tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam.

Theo phụ nữ TPHCM