Nghề nghiệp nói riêng, cuộc sống của con người nói chung, không nghề nào và không ai tránh khỏi những áp lực. Nhưng trong ngày dành riêng cho nghề giáo, tôi và các đồng nghiệp thường có những suy tư.
Ở đây, tôi không bàn đến áp lực thu nhập, vị thế hay kỳ vọng của xã hội vào người thầy mà nhiều người đã nói đến. Tôi chỉ xin chia sẻ gánh nặng của những người vừa là mẹ vừa là cô.
Sinh một đứa trẻ là mẹ, chăm dưỡng một đứa trẻ tốt nhất cũng chỉ có thể là mẹ. Người khác, kể cả là cha, ông bà, cô dì, chú bác cũng không có ai làm tốt hơn người mẹ việc ấy. Khó có ai có thể kiên nhẫn, chu toàn, vị tha như người mẹ. Lo cho con từ ngày còn lẫm chẫm những bước chân bằng bàn tay người lớn, cho đến khi tóc sóng sánh một áng bồng bềnh, cao to vạm vỡ của ngày cuối cấp? Mẹ là cô giáo sẽ nhọc nhằn hơn nhiều.
Bạn bè tôi làm những ngành nghề khác, thi thoảng có thể đến cơ quan trễ 5, 10 phút. Nhưng làm cô giáo, tiết học bắt đầu là 7 giờ, bạn phải có mặt ở trường trước, ít nhất 15 phút. Thầy cô giáo, gần như ai cũng không dám trễ, không dám nghỉ bệnh. Không chỉ vì vắng mình học sinh sẽ nháo nhào như ong vỡ tổ, hay không kịp bài vở, mà thầy cô còn phải bằng chính kỷ luật bản thân để dạy cho học sinh bài học chuyên cần, kỷ luật.
Tôi đã thấy biết bao cô giáo đồng nghiệp có con nhỏ, phải dậy từ rất sớm, dỗ con ăn, hối hả “tha” con đi. Nhiều lần, bạn tôi đưa con vào trường, trường vắng hoe, mẹ vẫn phải bỏ bé ngồi chơ vơ nơi ghế đá với cô lao công mải loẹt xoẹt từng nhát chổi. Hay những trưa, những chiều, tiếp phụ huynh đột xuất, chúng tôi hối hả len từng vòng bánh xe, dạ như lửa đốt, đến đón con, thấy con nước mắt tràn quanh má, đau lòng không nói nên lời.
Tôi vẫn còn nhớ, hồi con trai còn nhỏ. Tối nào tôi cũng ngồi học bài hằng đêm với con. Học xong thì kể chuyện, đọc sách, con lớn một chút thì nghe con nói về bạn bè trường lớp, ước mơ.
Năm con học lớp 2, cứ thi thoảng con lại mang về gói snack, kẹo hay hộp sữa nhỏ nhỏ, kể là cô cho -một cô giáo trẻ và hiền lắm.
Rồi có lần con cười nắc nẻ, nói không kịp khi khoe cái bánh: “ Cô hỏi con là con có ở với mẹ không á mẹ. Cô nói sao không thấy mẹ đưa đi đón về, hay họp phụ huynh hoặc gọi gì cho cô, con không ở với mẹ hử?”.
Tôi chưa kịp hỏi, cậu bé lại toe toét: “Con có mẹ chứ, mẹ con học bài với con mà. Mẹ con phải đi xa dạy các anh các chị. Mẹ con dậy sớm và đi sớm hơn con...”
Cũng chính con trai tôi, lúc học lớp 5, ngày mẹ đi họp phụ huynh dặn đi dặn lại: “Mẹ đi họp phải nói với cô là mẹ dạy Toán. Vì con nói với cô mẹ dạy Toán. Con học Toán giỏi hơn Văn! Cô mà biết mẹ dạy Văn là con… chết!”.
Mẹ là cô giáo, không phải ai cũng dạy được con mình. Bởi trẻ quen mẹ quá, biết mẹ yêu thương, không có khoảng cách xa lạ để giữ sự tôn nghiêm như với cô. Nên nếu không thật nhiều kiên nhẫn và thấu hiểu con, sẽ rất khó dạy, không muốn nói là không dạy được, mà còn thành gánh nặng cho con. Vào lớp, lỡ nghịch phá hơi lố - con nít mà, sao ta biết được hết những trò nghịch ngợm của các con -thì bị bạn, bị phụ huynh khác và cô mắng: “Con giáo viên mà vậy!”. Học chưa được tốt cũng lại nghe: “Con giáo viên mà vậy!”
|
|
|
Con giáo viên luôn phải đến trường sớm hơn chúng bạn (Ảnh minh họa) |
|
Khi mẹ làm cô giáo, tôi thấy, không chỉ là gánh nặng cho con, mà còn tự mang gánh nặng lên vai mình. Khả năng học tập hay quan điểm sở thích của con, nhiều lắm làm cha làm mẹ, ta chỉ có thể định hướng bằng trải nghiệm cuộc đời mình và sự thấu hiểu con. Thầy cô giáo cũng hệt như những người khác. Ai chẳng muốn con có cuộc đời bình an suôn sẻ vì ta yêu con.
Nhưng suy tận cùng, bình an suôn sẻ theo ý cha mẹ nghĩ và muốn, liệu có cần và đúng cho một người trẻ không? Chưa kể, đó chỉ là mong ước của cha mẹ, kết quả lại phụ thuộc nhiều vào bản thân trẻ. Mẹ cha có làm thầy cô giáo hay không, thiết nghĩ, cũng vậy thôi. Con học tàm tạm, không có nhiều thành tích, mê thể thao, mê học trang điểm, ca hát, sao không được, mà ta phải đau khổ nói với con là: “Con cô giáo mà vậy hả con?”.
Con 18 tuổi, xăm hình lên người hay từ chối học ngành nghề hoặc bước vào yêu đương… vẫn phải đối đầu với nhưng câu hỏi khắc nghiệt: “Con cô giáo là vậy hả?”
|
Chúng tôi luôn nghĩ "ngày mai sẽ khác", và tận tâm với nghề (Ảnh minh họa) |
Làm mẹ nhiều vất vả. Làm cô giáo cũng lắm nhọc nhằn. Để mặc vừa một lúc hai chiếc áo, tôi thấy thương mình, thương những bạn bè của mình.
Bỗng nhiên tôi nhớ và muốn ghi ra đây, câu chúng tôi hay nói với nhau trong những giờ chơi, hay trước một bài mới, một tình huống giáo dục không vui: “Chắc rồi mọi sự sẽ khác đi!”
Theo phụ nữ TPHCM