Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo rằng hiện có hơn 1 tỷ người trên toàn cầu đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Trong đó, có rất nhiều người trong độ tuổi lao động. Môi trường làm việc không tốt là một trong các tác nhân quan trọng của tình trạng này.
Theo báo cáo mới của Hội nghị Thượng đỉnh sáng tạo thế giới về y tế (WISH), phối hợp với WHO và quỹ Qatar, ít nhất 1/4 nhân viên y tế và những người làm công việc chăm sóc sức khỏe được khảo sát có các triệu chứng lo âu, trầm cảm và kiệt sức. Điều này càng tồi tệ hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19. Báo cáo cho thấy 23 - 46% nhân viên y tế có các triệu chứng lo lắng trong đại dịch và 20 - 37% có các triệu chứng trầm cảm. Tình trạng kiệt sức của nhân viên y tế trong đại dịch dao động từ 41 - 52%.
|
Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới ưu tiên các vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc trong nỗ lực duy trì lực lượng lao động có năng suất cao - Ảnh: Straits Times |
Điều đáng nói, phụ nữ chiếm 67% lực lượng lao động y tế toàn cầu và phải chịu sự bất bình đẳng, như trả lương không công bằng… “Bước sang năm thứ ba của đại dịch, báo cáo này xác nhận rằng mức độ lo lắng, căng thẳng và trầm cảm của các nhân viên y tế đã trở thành một “đại dịch trong một đại dịch” - Jim Campbell - Giám đốc Lực lượng lao động y tế của WHO - cho biết.
Sultana Afdhal - Giám đốc điều hành của WISH - cho biết: “Áp lực không phải là mới, nhưng COVID-19 đã làm nổi bật sự cống hiến và chịu đựng của nhân viên y tế. Chúng ta cần đầu tư, bảo vệ họ nhiều hơn nữa, bởi họ là tài sản quý giá nhất của hệ thống y tế”.
WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, ước tính có khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Theo WHO, hiện có hơn 1 tỷ người trên toàn cầu đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Trong đó, người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng đặc biệt, với 1/6 người mắc chứng rối loạn tâm thần tại bất kỳ thời điểm nào.
WHO cũng cảnh báo rằng nơi làm việc thường là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo đó, công việc có ý nghĩa có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần, mang lại cảm giác hoàn thành, tự tin và có thu nhập cho mỗi người. Nếu môi trường làm việc tồi tệ, mối quan hệ làm việc kém sẽ góp phần đáng kể vào việc làm xấu đi sức khỏe tâm thần. Điều này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tâm thần như phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác, dân tộc, khuynh hướng tình dục và kỳ thị người khuyết tật. Vì thế, cần ngăn ngừa rủi ro đối với sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.
Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết trong tuyên bố: “Khi mọi người dành phần lớn cuộc đời cho công việc thì môi trường làm việc an toàn và lành mạnh rất quan trọng. Chúng ta cần đầu tư để xây dựng văn hóa phòng ngừa xung quanh sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, định hình lại môi trường làm việc để chấm dứt kỳ thị, và đảm bảo nhân viên cảm thấy được bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất tại nơi mình làm việc”.
Theo phụ nữ TPHCM