leftcenterrightdel
 Chống ô nhiễm rác thải nhựa

Hiểm họa khôn lường

Ngày 22/4, hàng triệu người trên khắp thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày Trái đất. Đây là sự kiện thường niên nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau bảo vệ Trái đất - nơi sinh sống của khoảng 8 tỷ người và hàng nghìn tỷ sinh vật khác. Ô nhiễm do rác thải nhựa hiện là vấn đề môi trường toàn cầu. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trái đất.

Nhựa đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và đáng báo động như biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa. Khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050 thế giới sẽ đối mặt với “ô nhiễm trắng” khi có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu từ năm 2019.

Và theo Earthday.org, hơn 500 tỷ túi nhựa được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút nhưng lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

Hằng năm, ngành thời trang nhanh sản xuất hơn 100 tỷ sản phẩm may mặc. Mọi người hiện mua quần áo nhiều hơn 60% so với 15 năm trước, nhưng mỗi món đồ chỉ được giữ trong thời gian bằng một nửa. Khoảng 85% hàng may mặc được đưa vào bãi chôn lấp hoặc lò đốt, nhưng chỉ 1% được tái chế.

Tổ chức Hành động vì Trái đất (Earth Action) ước tính, ngày 5/9/2024 là thời điểm mà lượng rác nhựa được thải ra vượt quá khả năng quản lý của toàn thế giới. Tổ chức này vừa công bố báo cáo mới, trong đó cảnh báo rằng khoảng 220 triệu tấn rác thải nhựa sẽ được tạo ra chỉ trong năm nay. Khối lượng rác tương đương với 20.000 lần khối lượng tháp Eiffel (Paris, Pháp).

Báo cáo của UNEP cho thấy, có khoảng 13.000 hóa chất có trong nhựa và 1/3 trong số đó được cho là có hại cho sức khỏe con người và môi trường. Trong tự nhiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong băng gần Bắc cực và trong cơ thể cá sống ở những nơi sâu nhất của đại dương. Ở người, các hạt nhựa siêu nhỏ được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.

Hành động thiết thực

Để đạt được mức giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040, tổ chức Earth Day khuyến cáo:

- Nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học. Tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa. Thậm chí tiết lộ bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến tác động của nhựa cho cộng đồng được biết.

- Loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa vào năm 2024.

- Yêu cầu các chính sách chấm dứt ngành công nghiệp thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ mà ngành này sản xuất và sử dụng.

- Đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng thế giới không có nhựa.

Vòng đàm phán thứ tư của Liên hợp quốc hướng tới hiệp ước toàn cầu đầu tiên về tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra từ ngày 23/4 đến 1/5 tại Ottawa (Canada). Vòng đàm phán lần này được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng khi các bên tham gia đàm phán vẫn còn nhiều khác biệt về phạm vi và quy mô của thỏa thuận. Dự kiến vòng đàm phán hướng tới mục tiêu hoàn tất hiệp ước để phê chuẩn vào tháng 12 tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận môi trường quan trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.

leftcenterrightdel
 Cùng chung tay bảo vệ trái đất

Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya, đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ với các điều khoản ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng các polyme nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và để loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa có vấn đề (chẳng hạn như PVC) và những loại khác có chứa thành phần độc hại. Các nhà vận động môi trường và một số chính phủ thậm chí còn nói rằng phải xóa bỏ ngành công nghiệp sản xuất nhựa.

Tuy nhiên, quan điểm này đang bị ngành công nghiệp nhựa cũng như các nhà xuất khẩu dầu và hóa dầu lớn trên thế giới - trong đó đi đầu là Saudi Arabia - phản đối. Theo quan điểm của những người muốn thấy việc sử dụng nhựa vẫn diễn ra, hiệp ước về tình trạng ô nhiễm nhựa nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa.

Trước thềm cuộc đàm phán, một nhóm gồm 160 công ty tài chính đã kêu gọi các chính phủ đạt được nhất trí về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa. Qua đó nhằm giúp thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân.

Theo thoidai