Nghệ nhân Kazuma Takahashi.

Trao đổi với PNVN bên lề không gian chuẩn bị workshop trình diễn và hướng dẫn làm đồ chơi tái chế từ vỏ hộp giấy, Nghệ nhân Kazuma Takahashi chia sẻ: Ngay sau khi được những người bạn Nhật đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động Mottainai, ông quyết định tham gia chương trình không do dự, mặc dù từ khi biết về chương trình đến ngày diễn ra sự kiện này chỉ vỏn vẹn hơn 20 ngày. Song nhờ sự trợ giúp của những người bạn Nhật cùng trợ lý Maki Sakazume, đồng sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Bao bì Nhật Bản, ông vui mừng vì đã có mặt và được chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật của mình, truyền cảm hứng nghệ thuật gấp giấy tái chế tới các bạn trẻ Việt Nam.


Cũng theo Nghệ nhân Kazuma Takahashi, ở Nhật Bản, nghệ thuật gấp giấy truyền thống có từ lâu đời nên từ bé những đứa trẻ Nhật Bản đều được dạy về môn này. Lúc nhỏ, ông học nghệ thuật gấp giấy chỉ bởi thấy thích thú, dần dần niềm đam mê càng lúc càng lớn và trở thành nghề nghiệp. "Trong quá trình làm việc, ngoài việc tổ chức các triển lãm, tôi dành nhiều tâm huyết cho việc hướng dẫn trẻ em học và làm sản phẩm gấp giấy với mong muốn để hồn cốt của nghệ thuật này có thể lan rộng và được nuôi dưỡng mãi cho những ngày sau", Nghệ nhân chia sẻ.

Nghệ nhân Kazuma Takahashi hướng dẫn các bé nghệ thuật gấp giấy.

Không chỉ là người thổi hồn cho nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản, ông còn là một trong những nghệ nhân đi đầu trong việc truyền thông điệp bảo vệ môi trường, tránh lãng phí tài nguyên theo đúng tinh thần thông điệp Mottainai thông qua 3 quy tắc:


- Dùng 1 hộp bìa tạo ra 1 sản phẩm

- Dùng 1 hộp bìa không tạo ra rác

- Hộp giấy của nhãn hiệu nào sẽ tạo ra được sản phẩm giữ nguyên tên của nhãn hiệu đó.

Nghệ nhân Kazuma Takahashi tại Hội chợ Mottainai 2016 do Báo PNVN tổ chức.

Nghệ nhân Kazuma Takahashi tạo hình con từ vỏ hộp cũ.
Để tạo hình được con tôm như thế này, Nghệ nhân Kazuma Takahashi cần tới 4 ngày
Những sản phẩm tạo hình từ vỏ hộp cũ của Nghệ nhân Kazuma Takahashi.






                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Nguyễn Hương

- “Mottainai” xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có từ xa xưa, có ý nghĩa là “Lãng phí quá!”. Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực...) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

- Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

- Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong “4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa”.