Buổi biểu diễn do nhà văn Nguyễn Quí Đức tổ chức trong quán bar của ông ở phố cổ Hà Nội, thu hút khoảng 60 khán giả. Ông chuyển ngữ một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh, đọc thơ lời bài hát trên nền nhạc. Dù không gian quán chật hẹp, người xem giữ yên lặng để hòa mình vào âm nhạc.

Hai nghệ sĩ - Maria Rose Romero (chơi cello) và David Carpio (chơi guitar) - trình diễn tám bài. Khi họ chơi bản Biết đâu nguồn cội của cố nhạc sĩ, nhiều người lẩm nhẩm hát theo. Giai điệu đậm chất dân gian Việt Nam qua tiếng cello và guitar mang đến nét mới mẻ, khiến khán giả Việt Nam và nước ngoài đều hứng khởi. Cuối tiết mục, người xem đứng dậy vỗ tay cổ vũ hai nghệ sĩ.

Maria Rose Romero nói đây là lần đầu chị chơi nhạc Trịnh. "Trái tim tôi rung động khi nghe và chơi nhạc của ông. Nó khiến tâm hồn tôi thư thái. Ca từ những bài hát của ông rất đẹp, đặc biệt những bài viết về phụ nữ. Tôi cảm nhận họ có vẻ đẹp, tâm hồn tương đồng với người Venezuela", Maria Rose Romero nói. Cô nói sẽ tìm hiểu thêm về nhạc Trịnh. Maria Rose Romero và David Carpio là vợ chồng, là thành viên Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, gồm các nhạc công giỏi đến từ nhiều quốc gia.

Là một trong những khán giả xem chương trình, ca sĩ Thanh Lam thích thú vỗ tay theo nhạc. Chị nói: "Các nghệ sĩ nước ngoài cảm nhận về nhạc Trịnh hồn nhiên, trong sáng hơn. Vì thế, họ có những phút phiêu thoải mái". Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói Biết đâu nguồn cội là phần biểu diễn anh thích nhất trong đêm nhạc. "Họ biến hóa tiết tấu của bản nhạc, mang đến những âm thanh trong trẻo, tươi sáng, lôi cuốn người nghe", anh nhận xét. Anh đặc biệt khen ngợi Maria Rose Romero, nói cô "có đẳng cấp" bởi khả năng cảm thụ âm nhạc tốt.

                                                                                                             Nghệ sĩ Maria Jose Romero Rodriguez. Ảnh: The Sun Symphony Orchestra.

 

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng thổi saxophone hai bài - Xin cho tôi và Ca dao mẹ. Anh giao lưu bằng tiếng Anh duyên dáng với các khán giả ngoại quốc. Trong không gian yên tĩnh của quán bar, tiếng saxophone của Trần Mạnh Tuấn mang nhiều tâm sự, tựa như một người kể chuyện, thủ thỉ về ước mơ cuộc sống thanh bình. Là người thân thiết với cố nhạc sĩ, từng hoà âm nhiều bản nhạc của ông, Trần Mạnh Tuấn nói anh nhớ cố nghệ sĩ mỗi khi biểu diễn.

Đêm nhạc tôn vinh các ca khúc nằm trong tuyển tập Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Những nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi ông vào lịch sử âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20, cũng như trong trái tim của hàng triệu người yêu hòa bình ở Việt Nam và thế giới. Đó là những bài hát về quê hương, thân phận con người trong chiến tranh, là tiếng nói phản chiến và lời cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình.

Theo vnexpress