Giang Trang và người bạn thổi sáo tây Lê Thư Hương trong chương trình Hạ Huyền 1,
tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, năm 2013. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi có dịp trò chuyện với Giang Trang khi cô đang tất bật chuẩn bị cho chương trình “Nguyệt Hạ”, sẽ diễn ra vào tối 17/7 tới, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’ Espace), do Đại sứ Quán Pháp tài trợ. Đây là buổi biểu diễn nhạc Trịnh của Giang Trang và 2 người bạn từ nước ngoài trở về. Đó là Lê Thu, chơi guitar, hiện đang sinh sống tại Saudi Arabia và Lê Thư Hương, thổi sáo, trở về từ Đại học Bắc Texas (Mỹ).

Chương trình “Nguyệt Hạ” lần này cũng giống như các cuộc chơi khác, nó cũng mang một concert tối giản trong sự yên tĩnh. Nhưng buổi biểu diễn lần này sẽ giống như một câu chuyện thú vị giữa 3 người bạn: Một người kể chuyện bằng sáo, một người kể bằng tiếng đàn guitar và một người bằng ca từ bằng nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.

Chào Giang Trang! Tổ chức hẳn một chương trình về nhạc Trịnh, chắc có lẽ tình yêu dành cho nhạc Trịnh của bạn là không nhỏ?

Vâng! Mỗi người có một cảm nhận và lựa chọn cho mình một “gu âm nhạc” mà mình cảm thấy là hay nhất. Tôi từ nhỏ đến lớn tiếp xúc ca khúc âm nhạc nước ngoài nhiều hơn nhạc Việt. Tôi hay nghe như những ca khúc phập kỷ 60, 70 thế kỷ trước và đặc biệt thích sự dung dị trong âm nhạc của The Beatle.

Còn trong những gương mặt góp phần hình thành nên nền tân nhạc Việt Nam tôi đặc biệt thích Trịnh Công Sơn bởi không gian âm nhạc của ông phù hợp với thứ nhạc mà tôi thường nghe, cảm thấy có gì đó đi thẳng vào trong cảm nhận của bản thân theo cách thân thuộc. Sự dung dị, không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng gần gũi như Beatle vậy.

Những người yêu nhạc Trịnh ở Hà Nội biết tới Giang Trang như một nghệ sĩ yêu và hát nhạc Trịnh thầm lặng. Lần đầu tiên xuất hiện trong đêm nhạc kỉ niệm 100 ngày mất Trịnh Công Sơn tại quán nhạc Tranh, Giang Trang đã gây được sự chú ý bởi giọng hát tự nhiên, trong trẻo của mình.

Đã hơn mười năm trôi qua, Giang Trang vẫn hát nhạc Trịnh tại các chương trình ca nhạc, và những năm gần đây, nhiều người yêu nhạc Trịnh biết tới Giang Trang hơn qua các bản thu mà cô up lên các trang nghe nhạc online. Tuy nhiên, cô lại không tham gia ca hát chuyên nghiệp như một ca sĩ mà với sự âm thầm, bền bỉ của mình, giọng hát Giang Trang giống như một dòng chảy ngầm trong cộng đồng yêu nhạc Trịnh.

                                                                                      Theo Thế giới và Việt Nam

 

 

Bạn đã gặp ông bao giờ chưa?

Thật may mắn là rồi. Năm 13 tuổi, tôi được gặp ông tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội trong Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, khi ông giao lưu với sinh viên khoa ngoại ngữ.

Khi đó, nhìn thấy một người nghệ sỹ nhỏ bé đứng chơi guitar mộc mạc hát, tôi thấy thân thuộc quá. Khi đó, ông hát bài “Ai ơi đừng tuyệt vọng”. Hình ảnh rất giản dị, gần gũi của ông đã tác động mạnh đến tôi. Khi đó, tôi mới biết về Trịnh Công Sơn và bắt đầu tìm hiểu về nhạc của ông.

Cũng có thể coi đó như một cơ duyên chăng?

Thực sự, tôi đến với đời sống nhạc Trịnh như một sự tình cờ. Năm 2001, 100 ngày sau khi Trịnh Công Sơn mất, tôi có mặt ở quán Nhạc tranh - sân chơi của các nghệ sỹ guitar cổ điển. Đêm đó, mọi người chơi nhạc Trịnh để kỷ niệm. Tôi đã vô tình cầm đàn hát mấy bài quen thuộc như: Mây hồng, Tuổi đá buồn. Sau đó, tôi bắt đầu ngấm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Theo cách riêng của mình, Giang Trang đã tìm thấy điều gì trong nhạc Trịnh?

Dần trưởng thành, tôi có nhiều cảm nhận về nhạc Trịnh hơn và có những suy nghĩ của cá nhân mình về con người ông, về nhạc Trịnh. Trong âm nhạc Trịnh, sự dung dị đó là phần âm nhạc tối giản tới tận cùng với những nốt móc đơn, sự tối giản trong nhạc Trịnh. Tôi thích thứ ca khúc không cần quá nhiều hợp âm, như sự tối giản cố ý, đi liền với ca từ đặc biệt và đẹp. Nhạc Trịnh có nhiều hình tượng, có nhiều khuôn hình trong cuộc sống với những cách tả cảnh chấm phá, gần gũi, bâng quơ nhưng thể hiện ông là người cảm nhận đời sống tinh tế khi ôm trọn đời sống vào nhạc phẩm của mình. Trong nhạc Trịnh, hình ảnh nối hình ảnh thành một câu chuyện, như người vẽ tranh bằng ca từ, cộng thêm phần âm nhạc tối giản… Cuối cùng, tôi cảm nhận được từ âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó là sự ấm áp.

Với “Nguyệt Hạ” tại L’ Espace, theo Giang Trang, người nước ngoài sẽ cảm nhận về nhạc Trịnh như thế nào?

Âm nhạc không có biên giới và không cần ngôn ngữ để diễn tả. Ở các buổi biểu diễn của Giang Trang có không ít người nước ngoài đến thưởng thức. Họ lắng nghe một cách say sưa và thật ngạc nhiên là sau đó mới thổ lộ rằng bản thân không hề hiểu tiếng Việt. Tôi cho rằng đó là sự kỳ diệu của âm nhạc nói chung và của nhạc Trịnh nói riêng.

Cảm ơn những chia sẻ của Giang Trang!

                                                                                   Theo Thế giới và Việt Nam