Banmoo, công ty đồ nội thất ở Thượng Hải (Trung Quốc), đã phải công khai xin lỗi sau khi buộc một phụ nữ nghỉ sinh nộp báo cáo viết tay hàng ngày ghi lại doanh thu bán hàng trước đó của cô.

Công ty này yêu cầu nhân viên phải viết 600 từ mỗi giờ và gửi báo cáo mỗi ngày. Ngoài ra, nhân viên sẽ bị phạt 50 nhân dân tệ (7,25 USD) với mỗi lỗi chính tả, 100 nhân dân tệ (14,50 USD) với mỗi câu bị lặp và 500 nhân dân tệ (72 USD) nếu báo cáo gửi trễ hoặc thiếu.

Nhân viên nghỉ sinh bị bắt viết báo cáo mỗi ngày. Ảnh: AFP.

Một email từ bộ phận nhân sự cho biết: “Do thị lực của bạn có thể yếu trong thời kỳ cho con bú, chúng tôi cho phép bạn viết tay các báo cáo”.

Trong một email khác, công ty Banmoo viết: “Ngành công nghiệp đồ nội thất đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng công ty vẫn trả tiền cho bạn. Bạn cần phải làm công việc phù hợp với mức lương của mình”.

Câu chuyện này lan truyền trên mạng xã hội khiến công ty Banmoo bị dân mạng chỉ trích nặng nề vì những quy tắc quá khắt khe.

"Ai còn muốn sinh con trong môi trường làm việc kiểu này?", một người dùng Weibo viết.

Theo luật, phụ nữ ở Trung Quốc được hưởng 98 ngày nghỉ thai sản. Trong thời gian nghỉ sinh, công ty không được hạ lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, công ty Banmoo đã phải đưa ra lời xin lỗi trên Weibo. Đại diện công ty này cam kết sẽ hành động theo pháp luật nhưng không cho biết kế hoạch giải quyết vụ việc cụ thể như thế nào.

Phụ nữ gặp bất lợi ở nơi làm việc


Theo báo cáo “Phụ nữ và nam giới ở Trung Quốc, sự thật và số liệu năm 2019” của chính phủ Trung Quốc, nam giới nước này vẫn chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, các học viện và hệ thống tư pháp.

Từ tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cho đến tỷ lệ nữ giới ở các vị trí lãnh đạo thấp, phụ nữ Trung Quốc vẫn đang gặp bất lợi trong nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo đăng trên trang web của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), sự tiến bộ của phụ nữ ở Trung Quốc đã “lên một tầm cao mới”, nhưng vẫn còn “gian nan” vì các yếu tố liên quan đến tăng trưởng kinh tế và các lý do lịch sử, văn hóa. Đây là báo cáo thứ 6 về chủ đề này kể từ năm 1995.

Phụ nữ Trung Quốc vẫn đang gặp bất lợi trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Shutterstock.

Phụ nữ chỉ chiếm 30% các vị trí lãnh đạo. Số lượng nữ giới trong cơ quan lập pháp của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với nam giới, trong đó phụ nữ chỉ chiếm 1/4 trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Chỉ có một phụ nữ trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên giám sát Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nữ giới còn bị phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, và thường được trả lương thấp hơn và giữ những vị trí ít quan trọng hơn so với nam giới.

Theo một báo cáo năm 2020 của trang web tuyển dụng Zhaopin.com, khoảng 58% nữ ứng viên đã được hỏi về tình trạng hôn nhân và kế hoạch sinh con trong tương lai của họ. Phụ nữ được trả lương trung bình thấp hơn 17% so với nam giới.

Chăm sóc gia đình là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ mất việc làm, trong khi thời gian họ dành cho công việc chăm sóc không được trả lương cao hơn gấp đôi so với nam giới.

Phụ nữ được trả lương trung bình thấp hơn 17% so với nam giới. Ảnh: Shutterstock.

Feng Yuan, người đồng sáng lập Bình đẳng, một tổ chức phi chính phủ vì quyền phụ nữ, cho biết: “Tiến độ còn chậm và về mặt nào đó, nó thậm chí còn đi lùi, vì không có chính sách và biện pháp thực tế nào được đưa ra”.

Bà Feng kêu gọi chính phủ đi đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. “Nó cần nhiều quyết tâm hơn từ lãnh đạo cao nhất”.

Trung Quốc đứng thứ 106 trên tổng số 153 quốc gia trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về bình đẳng giới toàn cầu năm ngoái.

Đây là năm thứ 11 Trung Quốc liên tiếp tụt hạng. Năm 2006, khi lần đầu tiên bảng xếp hạng được đưa ra, quốc gia này xếp thứ 63.

Theo  Zing