Các bệnh nhân đeo khẩu trang gục ngã ngoài đường. Hàng trăm người dân chen chúc xếp hàng trong các hành lang bệnh viện để chờ tới lượt điều trị với nguy cơ có thể lây nhiễm lẫn nhau. Nhân viên y tế thì hét lên đầy đau khổ trong phòng nghỉ.
Đó là những đoạn video kinh hoàng được người dân từ các bệnh viện ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch viêm phổi đã tràn khắp Trung Quốc và lan ra 8 quốc gia khác, ghi lại và nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc trong tuần này.
Trong một video đau lòng nhất, được Badiucao, hoạ sĩ truyện tranh người Australia gốc Hoa đăng tải, người bệnh tay gắn ống truyền dịch, ngồi cạnh những bình oxy gần ba thi thể phủ vải trắng. Tuy nhiên, video chưa được xác minh và đã bị xoá khỏi mạng xã hội Weibo.
Các đoạn video khác cho thấy lều tạm được dựng hàng loạt trong bệnh viện, trong bối cảnh chính phủ cam kết sẽ xây thêm một bệnh viện với 1.000 giường mới trong vòng 10 ngày để đối phó với sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, mầm bệnh được cho là có nhiều điểm tương đồng với SARS.
Sau nhiều tuần trì hoãn các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "phong toả" không chỉ với Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, mà còn áp lệnh cấm đi lại với hơn 17 thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc, gây ảnh hưởng tới ít nhất 56 triệu người.
Các động thái kiểm dịch nhanh chóng, rộng khắp đã đặt ra câu hỏi về mức độ cần thiết của các biện pháp được cho là có phần cực đoan và những tác động tới quyền tự do dân sự. Việc chính phủ tiếp tục kiểm duyệt và rà soát internet có thể khiến người dân thêm sợ hãi trước dịch bệnh.
"Sau khi trải qua vài ngày ở Hồ Bắc, tôi cảm thấy buồn cho cư dân địa phương, bao gồm cả bố mẹ tôi. Nhiều người trong số họ không ý thức được dịch viêm phổi Vũ Hán là một cuộc khủng hoảng lớn với sức khoẻ cộng đồng cho tới ngày 22-23/1. Điều này thật không bình thường, vì đợt bùng phát đầu tiên là vào giữa tháng 12", phóng viên địa phương Qingqing Chen đăng lên mạng xã hội.
Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra cái nhìn hiếm hoi cho thấy nỗi sợ và sự lo ngại về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, rằng chính quyền có thể đang phải vật lộn để ngăn sự bùng phát.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào viện ở thành phố Vũ Hán, hôm 18/1. Ảnh: AFP.
Tờ People's Daily đăng video bệnh nhân khỏi bệnh vui mừng ra dấu hiệu chiến thắng giữa 4 nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ. Tuy nhiên Global Times cho biết chính quyền đang trong tình trạng thiếu vật tư y tế. 40 sĩ quan quân y đã được triển khai tới hỗ trợ công tác chống dịch viêm phổi tại bệnh viện ở Vũ Hán.
Sophie Richardson, giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Trung Quốc, cho biết phản ứng rmạnh mẽ của Bắc Kinh giữa bối cảnh bùng phát dịch bệnh cũng làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch.
"Từ góc độ y tế và nhân quyền, để mọi người có thể tin vào những thông tin có sẵn là điều rất cần thiết. Tôi đang thực sự lo ngại cho những người bị chính quyền cho là "truyền bá tin đồn không xác thực", đặc biệt trong bối cảnh người dân đang lo ngại không nhận được thông tin chính xác", Richardson nói.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán được báo cáo vào ngày 8/12 và các quan chức chính quyền thông báo nó đã được kiểm soát và có thể điều trị. Cảnh sát cũng thẩm vấn 8 người vì cáo buộc lan truyền tin đồn không xác thực về dịch bệnh. Chỉ khi căn bệnh này lan sang các thành phố khác, chính quyền mới bất ngờ có những phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ.
Tính đến tối qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận 41 trường hợp tử vong do dịch viêm phổi trong tổng số 1.287 ca nhiễm bệnh được phát hiện. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu ở London cho biết số ca nhiễm bệnh thực sự thành phố Vũ Hán có thể là 4.000 hoặc thậm chí 9.700 trường hợp.
Global Times hôm 23/1 cũng trích dẫn tờ Caixin, đề cập tới những nguồn tin cho rằng các bác sĩ Vũ Hán đã dự đoán số người nhiễm virus viêm phổi có thể vượt qua con số 6.000.
Nhiều thành phố ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc đã đình chỉ giao thông công cộng và tất cả 70.000 rạp chiếu phim Trung Quốc cùng nhiều khu vui chơi nổi tiếng cũng đóng cửa từ cuối tuần này.
Tuy nhiên, một số bác sĩ thẳng thắn nhận định những động thái hạn chế trên là quá ít và quá muộn khi virus gây bệnh đã xuất hiện khắp châu Á và lan sang cả Mỹ. "Đợt bùng phát dịch này chắc chắn sẽ lớn hơn", Guan Yi, một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm dày dặn về dịch SARS, cho biết.
"Chúng ta đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để phòng ngừa và kiểm soát. Chúng ta cũng nhận thức được sự hỗn loạn của giao thông trong kỳ nghỉ và việc một số quan chức không làm tròn bổn phận", Guan Yi nói thêm.
Nhiều người cũng lo ngại lệnh phong toả không đủ mạnh có thể bị những người ở giới thượng lưu phá vỡ. "Đặc biệt là với những người có tiền và quan hệ, họ sẽ chạy tiền và rất có thể sẽ thành công", Zi Yang, một nhà phân tích cao cấp tại Singapore, nói với AFP.
Bác sĩ Arisina Ma, chủ tịch Hiệp hội bác sĩ cộng đồng Hong Kong, cho biết nhiều người lo ngại Trung Quốc đại lục đang che giấu mức độ thực sự của cuộc khủng hoảng y tế này. "Chúng tôi không biết nhiều về các dữ liệu từ đại lục. Chúng tôi cần có số liệu chính xác về quy mô của dịch bệnh ở đại lục để dự đoán được quy mô bùng phát bệnh ở đây", Arisina Ma nói.
Châu Á hiện nâng cao cảnh giác cũng như tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các sân bay trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã được phát hiện ở nhiều nước. Cuộc khủng hoảng sức khoẻ này cũng phá hỏng kế hoạch năm mới của hàng triệu người thường có kế hoạch du lịch hay đi thăm họ hàng.
Trên một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Hàng Châu, hầu hết hành khách đều từ chối bữa ăn trên máy bay. Một người mẹ đã vô cùng hoảng hốt khi thấy con gái nhỏ của mình tháo khẩu trang và vội nói: "Này con có muốn chết không?".
Theo Vnexpress