Với gần 75% người trưởng thành đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, châu Âu đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng. Nhưng con số ấn tượng nói trên cũng không khỏa lấp được thực tế đáng ngại rằng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ chủng ngừa giữa các quốc gia trong khu vực, theo CNN.

Sự tương phản trong nội bộ EU

Trong các nước Liên minh châu Âu (EU), Ireland, Malta, Bồ Đào Nha, hay Đan Mạch gần như đã "phổ cập" tiêm chủng, với tỷ lệ người được tiêm đủ liều vaccine khoảng 80-90%, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Nhưng ngược lại, một số nước như Romania hay Bulgaria mới tiêm đủ liều vaccine cho lần lượt 33% và 22% người trưởng thành.

Vấn đề không nằm ở thiếu hụt nguồn cung. Tất cả quốc gia EU đều có thể tiếp cận nguồn vaccine được EU phê duyệt, gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca hay Johnson&Johnson.

Một số nước thậm chí chủ động mua các loại vaccine khác. Ví dụ, Hungary nhập hàng triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.

 
 
tiem vaccine covid-19 anh 2
Các nước châu Âu có thừa nguồn cung vaccine. Ảnh:Reuters.
 

"Tất cả các nước đều có vaccine. Bất cứ ai có nhu cầu đều được tiêm chủng", Ivan Krastev, chuyên gia của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho biết.

Vậy nhưng một số nước như Bulgaria và Romania đang đối mặt với tình trạng người dân từ chối tiêm chủng. Nguyên nhân bởi bất ổn chính trị, những thuyết âm mưu vô căn cứ lan truyền, cùng sự hoài nghi của người dân với nhà chức trách.

"Người dân ở cả Bulgaria và Romania đều hoài nghi. Ngay cả trong cộng đồng y khoa, nhiều y tá, bác sĩ cũng từ chối tiêm vaccine, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi phần còn lại của xã hội cũng phản ứng như vậy", ông Krastev nói.

Romania và Bulgaria đang vật lộn với làn sóng Covid-19 mới bùng phát từ đầu tháng 9. Romania ghi nhận hơn 45.000 ca dương tính với virus cùng 800 người chết trong 7 ngày qua.

ECDC cảnh báo các nước với tỷ lệ tiêm chủng thấp có nguy cơ đứng trước làn sóng ca mắc Covid-19 diễn tiến nặng, phải nhập viện và tử vong trong mùa thu và mùa đông tới, nếu các nước này nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội.

"Nếu kịch bản đó xảy ra, ngay cả nhóm người dễ bị tổn thương đã tiêm đủ liều vaccine cũng đối mặt nguy cơ lây nhiễm", ECDC cảnh báo trong đánh giá rủi ro Covid-19 mới nhất.

ECDC hối thúc các nước đang bị tụt lại về tiến độ tiêm chủng cố gắng làm rõ nguyên nhân người dân từ chối tiêm vaccine để có thể sớm giải quyết vấn đề này.

Chuyện gì đang xảy ra ở Romania và Bulgaria?

ỞBulgaria, cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 3 trong năm nay chuẩn bị diễn ra vào tháng 11. Hai cuộc bầu cử trước vào tháng 4 và 7 đã kết thúc trong bế tắc, khi không đảng nào giành được đủ số phiếu thành lập chính phủ.

Hệ quả là Bulgaria đang mắc kẹt trong chiến dịch tranh cử kéo dài và không có nhiều nguồn lực cho bất cứ vấn đề nào khác.

"Bulgaria đang có nhiều chiến dịch tranh cử hơn là chiến dịch tiêm chủng. Cả chính phủ tiền nhiệm lẫn chính phủ tạm quyền đều không coi tiêm ngừa Covid-19 là ưu tiên", ông Krastev nói.

 
 
tiem vaccine covid-19 anh 3
Người dân Romania biểu tình phản đối quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 ở thủ đô Bucharest. Ảnh:AP.
 

Truyền thông Bulgaria cũng đóng một phần trách nhiệm. Để các chương trình thu hút "lượt view", giới truyền thông đăng tải các quan điểm ủng hộ và chống vaccine như thể chúng có giá trị tương đương, khiến người dân bối rối, ông Krastev nói.

Trong khi đó, chính phủ Romania đổ lỗi chiến dịch tiêm chủng chậm chạp do tin giả, thuyết âm mưu bị phát tán tràn lan trên mạng Internet.

Một thực tế khác là có sự bất bình đẳng về tiêm chủng tại Bulgaria và Romania. Cộng đồng người Roma ở cả hai nước là nhóm ít được tiêm vaccine nhất.

Dimitar Dimitrov, giám đốc chương trình Roma của tổ chức hoạt động xã hội Open Society Institute, cho biết mối quan hệ không êm ấm giữa các nhóm dân cư đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tiêm chủng.

"Nhiều khu vực người Roma sinh sống ở Bulgaria bị phong tỏa mà không có lý do chính đáng, ngay cả khi mức độ lây nhiễm ở những khu vực này thấp hơn một số cộng đồng dân cư khác", ông Dimitrov nói.

Chính phủ Romania mới đây cho biết sẽ tăng thêm nguồn lực, bảo đảm những người không đến được các cơ sở y tế vẫn có thể được tiêm vaccine.

Phân hóa Đông - Tây

Romania và Bulgaria không phải những nước duy nhất ở châu Âu mà người dân do dự tiêm vaccine.

EU dường như đang bị chia đôi. Một nửa ủng hộ tiêm chủng và gần như tất cả người dân đã được tiêm vaccine. Nửa còn lại mang tâm lý hoài nghi vaccine sâu sắc và vì thế không muốn tiêm chủng.

Ranh giới phân chia này đang nằm đúng ở đường biên giới từng chia châu Âu thành hai nửa Đông - Tây của thời Chiến tranh Lạnh.

Trong 27 thành viên EU, 15 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất là các quốc gia từng thuộc khối phương tây. Trong khi đó, 10 nước đứng cuối bảng xếp hạng tốc độ tiêm chủng là các nước từng thuộc khối phương đông.

Trừ Hy Lạp, các nước từng thuộc khối phương tây đã tiêm đủ liều vaccine cho ít nhất 70% số người trưởng thành. Không quốc gia nào trong nhóm Đông Âu đạt mốc tiêm chủng này.

Ông Krastev cho biết cách đại dịch bùng phát ở từng nước là một trong những lý do giải thích sự khác biệt về tốc độ tiêm chủng.

 
 
tiem vaccine covid-19 anh 4
Nhiều người dân Đông Âu mang tâm lý hoài nghi vaccine. Ảnh:Reuters.
 

"Những nước là nạn nhân của làn sóng dịch bệnh đầu tiên đầu năm 2020, như Italy và Tây Ban Nha, dường như tiêm chủng thành công hơn so với những nước bị virus tấn công trong làn sóng dịch bệnh sau đó", ông Krastev nói.

"Thay vì thuyết phục người dân coi tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu, chính phủ Bulgaria lại biến việc đất nước chưa từng bị phong tỏa trở thành niềm tự hào dân tộc", ông Krastev chỉ trích.

Anna Nicinska, phó giáo sư Đại học Warsaw của Ba Lan, cho rằng việc một số nước siết chặt quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 đã làm dấy lên sự phản đối của người dân.

"Tiêm vaccine là quyết định dựa trên sự tin tưởng, việc ép buộc tiêm chủng sẽ phản tác dụng. Bởi bối cảnh lịch sử tại khu vực này, nhiều người sẽ tìm cách né tránh quy định bắt buộc tiêm chủng", bà Nicinska nói.

Ủy ban châu Âu (EC) coi tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số nước thành viên là một vấn đề đáng quan ngại.

"Chừng nào virus chưa được kiểm soát ở tất cả quốc gia thành viên, virus vẫn sẽ chưa bị đánh bại với toàn bộ khối", người phát ngôn của EC nói trong một tuyên bố mới đây.

EC kêu gọi các nước đang chậm tiêm chủng tập trung nguồn lực nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt nhắm đến nhóm cư dân đang do dự.

Theo Zing