Một người tiêm vắc xin Covid-19 tại Los Angeles, bang California - AFP
Kết quả khảo sát của Yahoo News/YouGov được công bố hôm qua cho thấy nghịch lý đáng lo ngại tại Mỹ, khi người đã tiêm vắc xin mong muốn tiêm liều nhắc lại để đảm bảo miễn dịch trước biến chủng nguy hiểm Delta, còn những người chưa tiêm vắc xin vẫn tiếp tục thờ ơ. Khảo sát thực hiện từ ngày 13 - 15.7 đối với 1.715 người trưởng thành cho thấy 62% người đã tiêm đủ liều sẵn sàng tiêm nhắc một mũi nữa.
Tâm lý này xuất phát từ thực tế là có một số trường hợp người đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn bị nhiễm Covid-19, và từ sự lo ngại biến chủng Delta, hiện phổ biến tại Mỹ cũng như nhiều nước khác. Nhà sản xuất vắc xin Pfizer từng đề nghị nên tiêm mũi thứ 3, nhưng cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh chưa có bằng chứng cho thấy việc này là cần thiết nên không khuyến cáo.
Trái với 77% người đã tiêm chủng đầy đủ tỏ ra lo ngại về sự lây lan của Delta, chỉ có 51% người chưa tiêm bày tỏ lo ngại về biến chủng này. Thậm chí, có đến 30% người chưa tiêm cho rằng biến chủng Delta chẳng gây nguy cơ nghiêm trọng nào cho người Mỹ.
Một cuộc khảo sát khác của CBS cũng cho thấy tâm lý e dè với vắc xin Covid-19 của một bộ phận người dân Mỹ. Theo đó, các lý do chính được nêu ra là lo ngại tác dụng phụ, không tin tưởng vào chính phủ và không tin vào công nghệ bào chế vắc xin. Thậm chí, có 74% người chưa tiêm vắc xin nói sẽ từ chối tiêm ngay cả khi bác sĩ của họ khuyến cáo nên tiêm.
Kết quả khảo sát thể hiện rõ vấn đề mà giới lãnh đạo Mỹ đang vất vả để xử lý. Mặc dù vắc xin Covid-19 miễn phí và có sẵn, nhiều người vẫn không đồng ý tiêm.
Hiện mỗi ngày có khoảng 500.000 người Mỹ tiêm vắc xin Covid-19, trong khi đỉnh điểm hồi tháng 4 là 3 triệu người.
Tính đến ngày 19.7, có hơn 68% người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm ít nhất một liều và 59,5% đã tiêm đủ liều. Tỷ lệ này được cho là đủ giúp phòng tránh một làn sóng mới nghiêm trọng như thời điểm Mỹ có hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày, nhưng một đợt bùng nổ số ca tử vong mới trong số những người chưa tiêm chủng được dự báo sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, các đợt bùng phát mới, xảy ra ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, cũng làm hao tốn nguồn lực chống dịch và gây ra những ca bệnh và tử vong đáng lý có thể ngăn chặn được.
Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky, Covid-19 đã trở thành “đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin” khi số liệu cho thấy hơn 97% bệnh nhân Covid-19 nhập viện và 99,5% bệnh nhân tử vong trong tuần rồi là những người chưa tiêm vắc xin.
Theo CNN, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày trong tuần rồi tại Mỹ là hơn 32.000, tăng 66% so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong trung bình mỗi ngày là 258, tăng 13%. Số người nhập viện vì Covid-19 cũng tăng thêm 24.923 người, tăng 26% so với tuần trước đó. “Mỗi ca tử vong vì Covid-19 đều là bi kịch và những ca tử vong hiện nay còn bi kịch hơn vì đáng lẽ có thể được ngăn chặn”, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zients kết luận.
Trung Quốc phản ứng về điều tra phòng thí nghiệm Tân Hoa xã hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 “không phù hợp với lập trường của Trung Quốc và nhiều nước khác”. Trước đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, trong có việc “kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019”. Ông còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật tại TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và khu vực lân cận, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố và là nơi có trụ sở của Viện Vi rút học Vũ Hán. Khánh An |
Nhật phê chuẩn thuốc điều trị Covid-19 * Châu Âu vượt 50 triệu ca Covid-19 Tờ Nikkei Asia hôm qua đưa tin Bộ Y tế Nhật Bản ngày 19.7 phê chuẩn cho việc sử dụng khẩn cấp đặc biệt đối với loại hỗn hợp thuốc kháng thể được dùng để điều trị cho cựu Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 10.2020 khi ông mắc bệnh Covid-19 trong lúc đương nhiệm. Loại hỗn hợp thuốc kháng thể này do công ty dược Mỹ Regenceron và công ty dược Thụy Sĩ Roche phát triển. Bộ trưởng Y tế Nhật Norihisa Tamura cho hay việc điều trị bằng thuốc kháng thể của Regenceron/Roche sẽ chủ yếu dành cho các bệnh nhân Covid-19 nhập viện có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng. Việc dùng hỗn hợp thuốc kháng thể của Regenceron/Roche cũng có thể có hiệu quả đối với ca nhiễm biến chủng mới, kể cả biến chủng Delta, theo Bộ Y tế Nhật. * Reuters ngày 20.7 đưa tin châu Âu trở thành khu vực đầu tiên có tổng số ca nhiễm Covid-19 vượt qua cột mốc 50 triệu ca, tính đến ngày 19.7. Châu lục này đang chứng kiến khoảng 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mới trong mỗi 8 ngày và ghi nhận tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch. Châu Âu hiện là một trong những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, ghi nhận 27% tổng số ca nhiễm và 31% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu tăng từ 25 triệu lên 50 triệu trong 194 ngày, trong khi 25 triệu ca đầu tiên được ghi nhận trong 350 ngày, theo Reuters. Nhiều nước châu Âu đã tái áp dụng biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm mới tăng trở lại trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal hôm 19.7 cho hay nước này đã bắt đầu đối diện làn sóng Covid-19 thứ 4. Theo đó, chính phủ Pháp áp dụng một trong số biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất ở châu Âu, như yêu cầu phải có “giấy thông hành” chứng minh đã tiêm chủng khi đến các địa điểm, bắt đầu từ tháng tới, và bắt buộc tiêm chủng đối với đội ngũ y bác sĩ. Văn Khoa |
Theo thanhnien