Tình trạng ngần ngại tiêm vaccine Covid-19 đang là vấn đề nghiêm trọng tại hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm những nền kinh tế theo đuổi chiến lược loại bỏ hoàn toàn virus như Australia và Hong Kong.
Theo cuộc thăm dò hồi tháng 5 của tờ Sydney Morning Herald và The Age tại Australia, gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ không có ý định tiêm chủng, với khoảng một nửa trong số đó bày tỏ lo ngại về tác dụng phụ và 1/5 lấy lý do nguy cơ nhiễm virus thấp.
Một khảo sát được Đại học Trung văn Hong Kong tiến hành hồi tháng 4 và tháng 5 tại thành phố cho thấy chỉ 1/4 số người chưa tiêm chủng có ý định đi tiêm trong vòng 6 tháng tới, mặc dù tỷ lệ tiêm vài tuần gần đây đã tăng đáng kể nhờ các doanh nghiệp tư nhân đưa ra nhiều ưu đãi.
Ivan Hung, đồng chủ trì ủy ban chuyên gia về giám sát an toàn vaccine của Hong Kong, đánh giá công chúng đang tập trung quá nhiều vào những khía cạnh tiêu cực của vaccine Covid-19. Phần lớn thông tin này dựa trên các nghiên cứu hoặc dữ liệu đáng tin cậy, nhưng vẫn còn tranh cãi rằng liệu chúng có được đặt trong bối cảnh phù hợp, hoặc được nhấn mạnh một cách thích đáng hay không.
Ví dụ được đưa ra là vaccine của Pfizer-BioNTech, loại đạt hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19 sau hai liều tiêm. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ ngăn ngừa biến chủng Delta của vaccine này thấp hơn so với chủng nCoV gốc. "Tuy nhiên, vaccine Pfizer-BioNTech vẫn đạt hiệu quả cao trước các biến chủng", Hung cho biết.
Vaccine AstraZeneca cũng gây tâm lý lo ngại do liên quan đến hiện tượng đông máu hiếm gặp, nguyên nhân khiến giới chức Australia từng khuyến cáo không nên sử dụng loại vaccine này cho những người dưới 60 tuổi. Mặc dù vậy, nguy cơ tử vong được ước tính chỉ xấp xỉ 1/1.000.000 - 1/2.000.000, tương đương nguy cơ bị sét đánh trong một năm nhất định.
Tại Anh và Israel, nơi tiến hành chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng với tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ lần lượt là 57% và 66%, việc số ca nhiễm nCoV gia tăng đáng kể trong vài tuần gần đây cũng thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, đa số ca nhiễm là những người trẻ chưa được tiêm chủng.
Thêm vào đó, số người chết vì Covid-19 hàng ngày hiện nay tại cả hai nước đều gần với mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Hôm 12/7, Anh chỉ ghi nhận 6 trường hợp tử vong, trong khi con số này vào ngày chết chóc nhất hồi tháng 1 lên tới 1.463.
Ngay từ tháng 8/2020, khi một số loại vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm Giai đoạn Ba, giúp thắp lên hy vọng thoát đại dịch, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn cảnh báo "hiện nay không có giải pháp dễ dàng nào và khả năng sẽ không bao giờ có" với Covid-19. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá phải mất nhiều năm để phát triển vaccine Covid-19.
Vài tháng sau, nhiều vaccine được chứng minh có mức độ an toàn và hiệu quả cao xuất hiện, với thời gian phát triển nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, đi kèm với chúng là một loạt hướng dẫn và cảnh báo nhằm nhấn mạnh vaccine Covid-19 không phải là "cây đũa thần" hoặc giải pháp hoàn hảo giúp loại bỏ hoàn toàn rủi ro, giống như bất kỳ biện pháp y tế nào.
Siddharth Sridhar, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, chỉ trích những cuộc tranh cãi "không ngừng nghỉ" về nhiều vấn đề, như hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm hay các biến chủng. "Thông điệp cần phải đơn giản: vaccine giúp cứu mạng những người nhiễm nCoV một cách vô cùng hiệu quả", Sridhar nhận định.
Theo một số chuyên gia, việc phóng đại những mặt hạn chế của vaccine Covid-19 đang đe dọa nỗ lực cứu người và đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường, đặc biệt tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi giới chức đang chật vật kiểm soát những đợt bùng phát nghiêm trọng, hoặc cố gắng phá bỏ sự cô lập với thế giới sau khi kiểm soát dịch bằng các biện pháp nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế.
"Vaccine là một tin tức tốt lành. Chúng ta cần nhìn nhận nó ở góc độ tích cực hơn", Peter Collignon, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Canberra của Australia, đánh giá. "Một năm trước, loại vaccine nào đó đạt hiệu quả 50% có lẽ cũng khiến chúng ta hài lòng. Về cơ bản, chúng ta đang có điều kiện thuận lợi hơn tưởng tượng của bất kỳ ai, xét đến hiệu quả của rất nhiều vaccine có sẵn hiện nay".
Động thái mới nhất có khả năng khiến công chúng giảm niềm tin vào vaccine là việc hãng dược phẩm Pfizer đề nghị giới chức y tế Mỹ cho phép tiêm mũi thứ ba với những người đã sử dụng vaccine của họ.
Giới chức Mỹ yêu cầu công ty cung cấp thêm dữ liệu để thuyết phục, trong khi nhiều chuyên gia và quan chức y tế, bao gồm WHO, nhấn mạnh không đủ bằng chứng cho thấy quyết định này là cần thiết. "Việc tăng liều có lẽ không cần thiết trong vòng 2-3 năm, trừ những người bị suy giảm miễn dịch", chuyên gia Hung của Hong Kong nhận định.
Tauel Harper, chuyên gia truyền thông tại Đại học Tây Australia, chỉ ra rằng những tin tức cho thấy "vaccine có vấn đề" thực sự thu hút công chúng, trong khi thành công của vaccine lại không được phản ánh đầy đủ. "Thật không may, giới truyền thông lại liên tục đưa tin về sự cố y tế ở những người đã tiêm chủng, mà đôi khi có lẽ là không liên quan", nhà virus học Sridhar bổ sung.
Giới chức một số nơi cũng bị chỉ trích vì tỏ ra quá thận trọng về những rủi ro nhỏ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hồi tháng 4 tạm dừng triển khai vaccine Johnson & Johnson do lo ngại về hiện tượng đông máu hiếm gặp. Quyết định này được cho là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ giảm đáng kể.
Hôm 13/7, cơ quan quản lý y tế Australia đã sửa lại khuyến cáo không nên tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi, giữa lúc dịch bùng phát nghiêm trọng ở khu vực Sydney. Giờ đây, họ khuyến cáo những người sống tại nơi chịu ảnh hưởng và không tiếp cận được vaccine Pfizer-BioNTech nên cân nhắc tiêm vaccine AstraZeneca.
Bác sĩ Collignon tại Đại học Canberra đánh giá thách thức hiện nay là không để những nhận định tiêu cực về vaccine làm lu mờ lợi ích có thể làm thay đổi cục diện thế giới mà nó mang lại. "Tôi nghĩ một trong các vấn đề là tất cả đều muốn vaccine hiệu quả 100% và không có tác dụng phụ. Chúng ta thực sự cần làm tốt hơn, nhưng tôi nhận thấy mọi người đang mang quan điểm tiêu cực không cần thiết về một số loại vaccine", ông nói.
"Vaccine là lối thoát. Nó không hoàn hảo, nhưng so với những gì chúng ta từng nghĩ đến cách đây một năm, chúng ta đã đạt được những kết quả tốt hơn những gì đáng lẽ có thể mong đợi dựa trên thực tế", Collignon cho biết.
Theo vnexpress